Thông cáo báo chí Khóa tập huấn kỹ năng trọng tài viên

HÀ NỘI – Sáng ngày 29/11/2023, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Cơ Quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức “Khóa tập huấn Kỹ năng Trọng tài viên”. Đây là hoạt động được triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật từ USAID, nhằm mục tiêu tăng cường năng lực và kỹ năng chuyên môn của Trọng tài viên tham gia giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài tại Việt Nam.

Chương trình toàn diện này là một trong số rất ít các khóa tập huấn kỹ năng trọng tài trung cấp và nâng cao dành cho các Trọng tài viên Việt Nam, trong đó tập trung đặc biệt vào yếu tố đóng vai trò then chốt của thủ tục tố tụng trọng tài – các Trọng tài viên. Khóa tập huấn sẽ diễn ra trong năm ngày liên tục, từ ngày 29/11 đến ngày 03/12/2023, với sự tham gia của 40 học viên là Trọng tài viên, thành viên Ban Thư ký VIAC. 
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, Ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, trong suốt 30 năm qua, VIAC luôn nhận thức rõ nhiệm vụ cốt lõi của mình là tổ chức điều phối và giám sát một cách chuyên nghiệp các thủ tục tố tụng trọng tài theo các chuẩn mực quốc tế đồng thời trở thành một điểm đến đáng tin cậy, mỗi khi doanh nghiệp, nhà đầu tư làm ăn kinh doanh tại Việt Nam cần tới một phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện, bí mật, tiện lợi và hiệu quả. Vượt xa hơn cả một tổ chức trọng tài, VIAC còn luôn nỗ lực thúc đẩy các phương thức trọng tài & các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) tại Việt Nam, thúc đẩy sự hình thành của cộng đồng hành nghề trọng tài và ADRs, đưa trọng tài và ADRs trở thành các cơ chế bảo đảm thực thi hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào lý tưởng đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn thương mại & đầu tư quốc tế. 
Ông Vũ Ánh Dương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kỹ năng và chuyên môn của các Trọng tài viên, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang phát triển: Như một câu nói kinh điển trong trọng tài quốc tế “Chất lượng của thủ tục trọng tài chính là chất lượng của trọng tài viên” (Arbitration is only as good as Arbitrators), sự thành công của một vụ kiện trọng tài phụ thuộc đáng kể vào kỹ năng và chuyên môn của trọng tài viên, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường phát triển, với ngày càng nhiều tranh chấp phức tạp và có giá trị cao xuất hiện. Theo đó, sau một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự hỗ trợ của USAID, VIAC mang đến cho các Trọng tài viên một chương trình tập huấn chuyên sâu, bao gồm nhiều chủ đề và khía cạnh khác nhau của trọng tài quốc tế. 
Cuối cùng, Ông Dương gửi lời cảm ơn tới USAID Việt Nam – tổ chức đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy các cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nên kinh tế Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy sử dụng trọng tài và hòa giải, cũng là đơn vị cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để triển khai khóa tập huấn này. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng hiệu quả của các hỗ trợ từ USAID sẽ tiếp tục được duy trì, góp phần gieo mầm cho sự phát triển chuyên sâu về chuyên môn trong lĩnh vực trọng tài.
Đại diện USAID, Bà Nguyễn Khánh Cẩm Châu, Trưởng nhóm Quản trị nhà nước, kiêm cố vấn phát triển số, USAID Việt Nam trong phần phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phương thức trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) trong bối cảnh hiện nay. Bà Châu chia sẻ thêm, Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường phát triển và hấp dẫn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là đối tác quan trọng trong lĩnh vực thương mại và đầu tư với nhiều nước trong khu vực. Song bên cạnh những cơ hội tiềm năng, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới sau đại dịch COVID cũng như căng thẳng địa chính trị trên thế giới hiện nay. Trước tình hình thị trường toàn cầu luôn biến động, nhiều rủi ro kéo theo sự gia tăng các tranh chấp, nhu cầu nâng cao chất lượng và tính hiệu quả của các cơ chế giải quyết tranh chấp trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Do vậy, những phương thức giải quyết tranh chấp, với tính linh hoạt và đáp ứng nhu cầu của các chủ thể trong hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế, sẽ góp phần quan trọng vào bức tranh hồi phục tích cực và tươi sáng hơn của nền kinh tế thế giới trong tương lai.
Đây cũng là lý do và cũng là động lực thôi thúc USAID đồng hành của Việt Nam trong việc củng cố hệ thống pháp luật nói chung và tăng cường hiệu quả thực thi các phương thức giải quyết tranh chấp tư, thông qua các hoạt động hợp tác với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và các bên liên quan khác. Trong thời gian qua, USAID Việt Nam cũng đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện đào tạo và tham vấn cho Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của trọng tài và hòa giải tại Việt Nam theo hướng tiệm cận hơn với tiêu chuẩn và thực tiễn quốc tế 
Khóa tập huấn sẽ có sự tham gia giảng dạy của các giảng viên nước ngoài, là những chuyên gia có chuyên môn cao, uy tín và giàu kinh nghiệm thực tiễn: Ông Andrew Jeffries – Luật sư tranh tụng và Trọng tài viên; Bà Anna Annandale – Luật sư cấp cao, Thành viên Ban điều hành Hiệp hội Luật sư Nam Phi, Phó Chủ tịch Tổ chức Đào tạo Tranh tụng quốc tế; Ông Chow Kok Fong – Luật sư tranh tụng và Trọng tài viên, Chủ tịch Trung tâm Hòa giải Singapore và Trung tâm Hòa giải quốc tế Singapore; Ông Joseph Liow – Luật sư tranh tụng độc lập và Trọng tài viên; Ông Malcolm Wallis – Trọng tài viên độc lập, Cựu thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Tối cao Nam Phi; Ông Samuel Chacko – Luật sư phụ trách Nhóm Thực hành giải quyết tranh chấp, Công ty Luật Legis Point, Trọng tài viên. Chương trình cũng có sự tham gia hỗ trợ giảng dạy từ bà Nguyễn Phương Trinh, Chủ tịch CIArb phân viện Việt Nam (CIArb/Vietnam Chapter), luật sư sáng lập điều hành Công ty Luật Trinh Nguyen & Partners.
Có thể nói, khóa tập huấn này chính là cam kết của VIAC và USAID trong việc nỗ lực không ngừng để cung cấp dịch vụ trọng tài chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực trọng tài tại Việt Nam. Điều này cũng phần nào phản ánh sự ưu tiên và tận tâm của VIAC và USAID đối với tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong việc giải quyết các nhu cầu phát triển của thị trường Việt Nam.
Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
Chị Phạm Thu Hương
Ban Xúc tiến và Đào Tạo
– Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam 
Email: huong.pham@viac.org.vn  
Điện thoại: 0948 065 409