Trên cơ sở Hợp đồng nêu trên, Hội đồng tuyển chọn học viên tham gia Đề án xin thông báo về việc tuyển chọn học viên đợt 1 như sau:
1. Chỉ tiêu tuyển sinh:
Chỉ tiêu tuyển sinh đợt 1 là 11 người, bao gồm cả chuyên gia pháp luật và luật sư.
2. Đối tượng tuyển sinh:
- Công chức đang công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Luật sư đang hành nghề tại các công ty luật, văn phòng luật sư, doanh nghiệp.
3. Cơ sở đào tạo nghề luật sư và thực hành nghề nghiệp:
Học viên được gửi đi đào tạo và thực hành nghề nghiệp tại Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ tại Washington DC và các công ty luật tại Hoa Kỳ.
4. Hình thức, thời gian và nội dung đào tạo:
4.1. Hình thức đào tạo:
Việc đào tạo được thực hiện dưới hình thức đào tạo tập trung theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1: đào tạo nghề luật sư tại Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ trong thời gian 3,5 tháng;
- Giai đoạn 2: thực hành nghề nghiệp trong các công ty luật do Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ bố trí trong thời gian 2,5 tháng.
4.2. Thời gian đào tạo:
Tổng thời gian đào tạo là 6 tháng.
Trong trường hợp đã hoàn thành chương trình đào tạo 6 tháng tại Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ mà học viên có nhu cầu và được công ty luật tại Hoa Kỳ chấp nhận thì có thể được tiếp tục thực hành nghề nghiệp tại công ty luật đó. Đối với chuyên gia pháp luật thì việc kéo dài thời gian thực hành nghề nghiệp phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản và tối đa không quá 1 năm. Học viên phải tự thu xếp thủ tục gia hạn visa và tự trang trải toàn bộ kinh phí trong thời gian tiếp tục thực hành nghề nghiệp. Đối với luật sư thì không hạn chế thời gian thực hành nghề nghiệp tại công ty luật của Hoa Kỳ.
4.3. Nội dung đào tạo:
Nội dung đào tạo tập trung vào kiến thức pháp luật thương mại quốc tế, kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, đặc biệt chú trọng kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại, tư vấn pháp luật trong các giao dịch thương mại quốc tế (đề nghị xem Phụ lục I).
5. Điều kiện của người xin dự tuyển:
5.1. Điều kiện chung:là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam; có lập trường chính trị vững vàng, có tư cách đạo đức tốt; dưới 40 tuổi; có bằng cử nhân luật từ loại khá trở lên; có Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL đạt 600 điểm hoặc IELTS đạt 6,5 điểm.
Đối với người có bằng tốt nghiệp đại học luật, thạc sỹ luật, tiến sỹ luật tại các nước Anh, Hoa Kỳ và Úc thì được miễn điều kiện về trình độ ngoại ngữ.
5.2. Điều kiện cụ thể đối với các đối tượng tuyển sinh:
a)Đối với công chức đang công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có thời gian công tác liên quan trực tiếp đến pháp luật (tư vấn, tham mưu hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, giảng dạy luật, nghiên cứu pháp luật hoặc công tác xét xử, kiểm sát) từ 2 năm trở lên;
- Cam kết hoàn thành chương trình đào tạo, thực hành nghề nghiệp và sau khi kết thúc quá trình đào tạo ở nước ngoài sẽ trở về phục vụ Chính phủ như đã cam kết, nếu không hoàn thành chương trình đào tạo và thực hành nghề nghiệp hoặc không trở về nước phục vụ thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo theo quy định của Nhà nước. Cam kết phải được bảo lãnh của cơ quan cử đi học hoặc gia đình hay người bảo trợ của người được gửi đi đào tạo tại nước ngoài.
b) Đối với luật sư thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Hành nghề luật sư từ 3 năm trở lên;
- Có khả năng và triển vọng phát triển tốt trong nghề luật sư;
- Luật sư được Chính phủ cho vay tín dụng ưu đãi phải có văn bản cam kết với Bộ Tư pháp trước khi được gửi đi đào tạo.
6. Hồ sơ dự tuyển và thời hạn nộp hồ sơ:
6.1. Hồ sơ dự tuyển bao gồm:
- Giấy đăng ký dự tuyển (mẫu tại Phụ lục II gửi kèm theo Thông báo này);
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan nơi công chức đang làm việc hoặc xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Bản sao hợp lệ bằng cử nhân luật, thạc sĩ luật (nếu có), tiến sỹ luật (nếu có) kèm theo bảng điểm;
- Bản sao Chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có, như quy định tại Mục 5.1 của Thông báo này);
- Giấy xác nhận của cơ quan nơi công chức đang làm việc về thời gian công tác pháp luật; Giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi luật sư đang hành nghề về thời gian hành nghề luật sư;
- Công văn cử đi dự tuyển do Thủ trưởng cơ quan quản lý công chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi luật sư đang hành nghề ký;
- Tiểu luận về một chủ đề liên quan đến pháp luật (đề nghị xem Phụ lục III gửi kèm theo Thông báo này);
- Bản cam kết thực hiện nghĩa vụ của công chức được cử đi đào tạo tại Hoa Kỳ theo mẫu tại Phụ lục IV-A gửi kèm theo Thông báo này hoặc Bản cam kết thực hiện nghĩa vụ của luật sư được Chính phủ cho vay tín dụng ưu đãi theo mẫu tại Phụ lục IV-B gửi kèm theo Thông báo này.
Mọi giấy tờ, bản sao, văn bằng, chứng chỉ trình bày trên giấy khổ A4, theo chiều dọc trang giấy. Các giấy tờ đựng trong một túi hồ sơ kích thước 25cm x 34cm, ngoài túi ghi danh mục các loại giấy tờ có trong túi.
6.2. Thời hạn nộp hồ sơ:
Hồ sơ dự tuyển gửi về Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội trước ngày 20/12/2008.
7. Tuyển chọn học viên:
7.1. Công chức đang công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đăng ký dự tuyển theo Công văn số 1885/BTP-BTTP ngày 17/6/2008 của Bộ Tư pháp gửi hồ sơ dự tuyển theo mẫu quy định tại Mục 6 của Thông báo này. Những công chức đang công tác tại các cơ quan nêu trên chưa đăng ký có thể gửi hồ sơ nếu có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện tuyển chọn. Đối với luật sư đang hành nghề tại các văn phòng luật sư, công ty luật, doanh nghiệp thì không hạn chế số lượng hồ sơ dự tuyển.
7.2. Việc tuyển chọn học viên do Hội đồng tuyển chọn thực hiện theo cách thức sau đây:
- Vòng 1: Sơ tuyển.
Cơ quan giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn nhận và thẩm tra hồ sơ theo các điều kiện quy định tại Mục 5 của Thông báo này và báo cáo kết quả thẩm tra cho Hội đồng tuyển chọn. Căn cứ vào kết quả thẩm tra hồ sơ, Hội đồng tuyển chọn xem xét, lựa chọn các ứng viên đáp ứng đủ điều kiện.
- Vòng 2: Phỏng vấn ứng viên.
Các ứng viên được tuyển chọn trình bày tóm tắt về tiểu luận đã chuẩn bị và trả lời các câu hỏi của Hội đồng tuyển chọn.
Những người trúng tuyển được Hội đồng tuyển chọn lập danh sách để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định gửi đi đào tạo tại Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ.
8. Cách thức gửi học viên đi đào tạo:
Việc gửi học viên trúng tuyển đi đào tạo tại Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ được thực hiện theo từng đợt trong thời gian từ 2008 đến 2010. Số lượng học viên của mỗi đợt từ 08 đến 11 người.
9. Kinh phí đào tạo:
9.1. Kinh phí đào tạo đối với công chức đang công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do ngân sách nhà nước cấp. Bộ Tư pháp thực hiện tuyển sinh, duyệt danh sách trúng tuyển kèm theo dự toán ngân sách được cấp hàng năm gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý và cấp phát kinh phí cho học viên tại nước ngoài theo quy định của Đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” được phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 28/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
9.2. Luật sư đang hành nghề tại các công ty luật, văn phòng luật sư tham gia chương trình đào tạo này tự trang trải kinh phí đào tạo; trong trường hợp có yêu cầu, Chính phủ có chính sách cho vay tín dụng ưu đãi.
9.3. Luật sư do các doanh nghiệp gửi đi đào tạo theo chương trình đào tạo này thì doanh nghiệp tự trang trải kinh phí đào tạo.
Hội đồng tuyển chọn đề nghị Quý Cơ quan/Tổ chức triển khai rộng rãi và khẩn trương Thông báo này cho các công chức/luật sư biết, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các công chức/luật sư đáp ứng đủ điều kiện tuyển chọn được đăng ký dự tuyển.
|