Thừa phát lại đang được người dân, xã hội đón nhận

14/08/2015
Từ thành công của TP. Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL), sau thời gian triển khai ở 13 địa phương đến nay đã khẳng định chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chế định TPL là đúng đắn và thông qua việc thí điểm, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận.

Nhân lực: cơ bản đáp ứng yêu cầu

Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, đến nay chế định TPL đã được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 53 Văn phòng TPL được thành lập. Tại thành phố Hồ Chí Minh có 11 Văn phòng, trong đó một số Văn phòng đã được thành lập và hoạt động từ trước theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội; 12 địa phương mở rộng thí điểm có 42 Văn phòng, gồm: thành phố Hà Nội: 8 Văn phòng, Hải Phòng: 3 Văn phòng, Quảng Ninh: 4 Văn phòng, Vĩnh Phúc: 3 Văn phòng, Thanh Hóa: 1 Văn phòng, Nghệ An: 2 Văn phòng, Bình Định: 1 Văn phòng, Đồng Nai: 5 Văn phòng, Bình Dương: 4 Văn phòng, An Giang: 3 Văn phòng, Vĩnh Long: 3 Văn phòng, Tiền Giang: 4 Văn phòng. Về loại hình doanh nghiệp, khoảng 50% các Văn phòng TPL được tổ chức theo hình thức công ty hợp danh và 50% được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp tư nhân.

Các Văn phòng khi được thành lập đều phải xây dựng Đề án, đảm bảo các nội dung về cơ sở vật chất, nhân sự… để UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập.  Nhiều Văn phòng TPL ở các thành phố, tỉnh lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương được đầu tư với nguồn vốn tương đối lớn, có cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tốt, thể hiện tính chuyên nghiệp, bài bản. Điều đó thể hiện mong muốn, quyết tâm, tích cực ủng hộ của người dân, xã hội nói chung và những người làm nghề TPL nói riêng đối với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chế định TPL.

Về nguồn nhân lực, tổng số nhân lực đang làm việc 53 Văn phòng TPL là 643 người, trong đó có 134 TPL; 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên khác. Đội ngũ TPL đang hành nghề là những người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực pháp lý, trong đó hầu hết nguyên là Luật sư, Thẩm phán, Điều tra viên, Chấp hành viên… Nhìn chung, đội ngũ TPL là những người có tâm huyết, trách nhiệm và tích cực đi đầu thực hiện thí điểm, chấp nhận khó khăn, thách thức để thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh TPL, còn có đội ngũ Thư ký nghiệp vụ với chức năng chủ yếu giúp cho các TPL trong việc tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác minh và tổ chức thi hành án. Hầu hết Thư ký nghiệp vụ đều có trình độ cử nhân luật, trong đó đa phần là những sinh viên mới tốt nghiệp, còn trẻ tuổi, có nhiệt huyết.

Mặc dù còn đang trong giai đoạn thí điểm và với thời gian thực hiện chưa dài, nhưng nhìn chung đội ngũ TPL, Thư ký nghiệp vụ tại các Văn phòng cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc, đang ngày càng được kiện toàn và tiếp tục không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Trong đó, tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương nguồn nhân lực của các Văn phòng tương đối tốt, cả về số lượng lẫn chất lượng...

Tống đạt, lập vi bằng chiếm tỷ trọng lớn

Theo quy định, TPL được thực hiện các công việc: Tống đạt văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án. Tính đến ngày 31/7/2015, các văn phòng TPL đã tống đạt được 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện THA 781 việc, trực tiếp thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu gần 120 tỷ đồng. Trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt vẫn chiếm tỷ trọng lớn (doanh thu gần 60 tỷ đồng, chiếm gần 51% tổng doanh thu), kế đến là lập vi bằng với doanh thu trên 52 tỷ đồng; hoạt động xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA chiếm tỷ trọng nhỏ….

Mặc dù vẫn còn một số tồn tại, song kết quả triển khai thực hiện trong thời gian qua đã khẳng định chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chế định TPL là đúng đắn và thông qua việc thí điểm, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Việc thực hiện thí điểm TPL là một hướng đi đúng về cải cách tư pháp, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động tư pháp của nước ta cũng như xu thế hội nhập quốc tế. Có thể nói đây là một nội dung, giải pháp về cải cách tư pháp đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được triển khai thực hiện thành công bước đầu.

Đề xuất triển khai chính thức

Từ kết quả triển khai thực hiện việc thí điểm, vai trò, tác động chế định TPL đối với kinh tế - xã hội và đối với hoạt động tư pháp; bối cảnh cải cách tư pháp và pháp luật trong nước cũng như xu hướng hội nhập quốc tế cho thấy, việc thực hiện chế định TPL là một hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp, cần tiếp tục thực hiện chế định này trong thời gian tới. Kết quả thực hiện đã khẳng định chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội là đúng đắn, qua đó đã kiểm nghiệm trên thực tế và khẳng định được vai trò, sự cần thiết chế định này. Đồng thời qua việc thí điểm cũng cho thấy những hạn chế, tồn tại của việc triển khai thực hiện cũng như khiếm khuyết của mô hình tổ chức và hoạt động TPL trong thời gian thí điểm, từ đó có các giải pháp để thực hiện tốt hơn chế định này. Kết quả tổng kết của các Bộ, ngành, địa phương đều cho rằng, chế định này là cần thiết và đề nghị cho triển khai chính thức sau khi kết thúc thí điểm.

Các địa phương cũng đề nghị nhanh chóng xây dựng Luật TPL, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này, đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng; thanh kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TPL để người dân biết tiện ích của chế định này cũng như thắt chặt mối quan hệ giữa các cơ quan ban ngành liên quan.

                                                                 Thu Hằng

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Nguyễn Văn Lực: Đề xuất bỏ quy định TPL muốn cưỡng chế phải được Cục trưởng THADS phê duyệt

Khi mới triển khai TPL cũng gặp khó khăn do vấn đề nhận thức, đặc biệt là của các ngành và ngay trong chính cơ quan THADS. Do đó,  Cục THADS TP đã tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho lãnh đạo, cán bộ ngành về chủ trương thực hiện chế định TPL. Trên tinh thần hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, ai không chấp hành thì phải uốn nắn, nặng hơn là xem xét kỷ luật. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho TPL hoạt động như tổ chức hội nghị để TPL giới thiệu mình, kêu gọi các ngân hàng tại TP.HCM sử dụng dịch vụ của TPL. Tại trụ sở các chi cục THADS có bố trí các bảng hiệu, chỗ ngồi giới thiệu về TPL để người dân biết lựa chọn giữa THA và TPL.

Trên thực tế, hoạt động của TPL giúp chúng tôi giảm tải công việc rất lớn, tuy nhiên việc xác minh, trực tiếp tổ chức THA, TPL chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa xứng với tiềm năng của TPL. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp Tòa khi tuyên án cần giải thích rõ ngay trong bản án về quyền của người dân được yêu cầu cơ quan THA hoặc TPL trong tổ chức THA để người dân biết quyền của mình. Tôi cũng đề xuất bỏ quy định TPL muốn cưỡng chế phải được Cục trưởng THA phê duyệt để tạo tính chủ động cho TPL.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình (Hà Nội): Phải sớm khẳng định tư cách pháp lý của Thừa phát lại

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của TPL chỉ gồm Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn; trong đó Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chủ trương, nguyên tắc, còn tổ chức và hoạt động của TPL được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ, giá trị pháp lý còn rất hạn chế. Các luật chuyên ngành đều chưa có hình ảnh của TPL. Do đó, để TPL hoạt động hiệu quả phải sớm khẳng định tư cách pháp lý của Thừa phát lại, mà trước hết cần sớm ban hành Luật Thừa phát lại. Ngay trong quá trình tổng kết thí điểm TPL, có thể tiến hành rút kinh nghiệm và đưa vào kế hoạch xây dựng  Luật TPL triển khai ngay trong năm 2016, trình Quốc hội thông qua ngay khi quyết định kết thúc thí điểm.

Ông Trần Ngọc Toàn, Trưởng Văn phòng thừa phát lại Cẩm Phả (Quảng Ninh): Cần tăng mức phí tống đạt cho các địa bàn đặc thù

Hiện nay công việc chính của văn phòng là tống đạt văn bản giấy tờ nhưng mức phí cho công việc này hiện quá thấp. Chúng tôi đi ra tận huyện đảo Cô Tô, đảo Quan Lạn hay huyện miền núi Bình Liêu, nguyên tiền vé tầu xe đi về đã hết cả triệu bạc chưa kể các chi phí khác nhưng phí tống đạt thì chỉ có 130 ngàn/trường hợp. Tôi cho rằng cần tăng mức phí tống đạt cho các địa bàn đặc thù như hải đảo. Một khó khăn nữa là hiện vẫn còn nhiều người dân chưa biết về thừa phát lại, dù chính quyền, các cấp ngành và bản thân Văn phòng đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, ngay cả một số cơ quan cũng còn dè dặt trong việc cung cấp thông tin thi hành án hay ký hợp đồng tống đạt. Vì thế trong thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông về thừa phát lại.