Thừa phát lại sau thời gian thí điểm: Từng bước được người dân đón nhận

04/12/2014
Sau thành công tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2012 bằng Nghị quyết 36, Quốc hội cho phép tiếp tục thí điểm chế định thừa phát lại tại một số địa phương trên cả nước. Đến nay, nhìn lại thời gian thí điểm, có thể thấy chế định này bước đầu được người dân đón nhận, phục vụ đắc lực cho tiến trình cải cách tư pháp.

Nhận thức về thừa phát lại ngày càng rõ nét.

Nếu như khái niệm về thừa phát lại tỏ ra khá quen thuộc với nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh thì với đa số người dân cả nước, trong đó có 12 địa phương tiếp tục thí điểm (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long) thừa phát lại vẫn còn khá xa lạ. Xác định tuyên truyền là khâu đột phá, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về thừa phát lại. Các cơ quan báo chí cũng đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Ở địa phương những nơi làm thí điểm công tác truyền thông về thừa phát lại cũng đặc biệt được chú tọng.

Trong công tác tuyên truyền, không thể không nói đến những nỗ lực của chính bản thân các Văn phòng thừa phát lại. Vì đây là hoạt động mới nên ngoài sự hỗ trợ từ TƯ, địa phương các Văn phòng thừa phát lại cũng đã chủ động triển khai các biện pháp tuyên truyền. Các văn phòng ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh đã in phát hàng vạn tờ rơi, tời gấp, thư ngỏ cấp phát đến từng người dân. Một số Văn phòng thừa phát lại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định… còn lồng ghép việc phổ biến về thừa phát lại trong các hoạt động chuyên môn, các cuộc sinh hoạt tập thể ở tổ dân phố, cụm dân cư. Nhiều nơi Văn phòng thừa phát lại còn mạnh dạn lập các điểm giao dịch và tư vấn về thừa phát lại. Ở Thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), Thành ủy Uông Bí còn bố trí chỗ ngồi cho thừa phát lại tại trung tâm hành chính công để thừa phát lại tư vấn, hướng dẫn cho người dân khi có yêu cầu.

Ngoài việc tuyên truyền cho người dân, việc tuyên truyền cho cán bộ cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, quận huyện, đến xã phường cũng được thực hiện rốt ráo, tích cực. Ở Hà Nội, 29 quận huyện luân phiên mời báo cáo viên giới thiệu về thừa phát lại cho cán bộ chủ chốt đến tận cấp xã.

Các ngành tăng cường phối hợp.

Thừa phát lại sẽ không thể thành công nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan, mà trước hết là sự chỉ đạo của cấp ủy, UBND đối với chế định mới này. Hầu hết các địa phương làm thí điểm, Tỉnh ủy hoặc UBND đã ban hành các hình thức văn bản như Thông tri, Chỉ thị, hay kế hoạch…thực hiện thí điểm thừa phát lại và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại. Trên cơ sở đó, các ngành đã có sự phối hợp khá tốt với các văn phòng thừa phát lại trong việc chuyển giao các văn bản để thực hiện tống đạt; một số cơ quan chức năng cũng đã tạo điều kiện cho thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án. Nhiều cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự sau thời gian đầu còn có tâm lý e ngại, dè dặt thì đến nay cũng đã chuyển giao thường xuyên, liên tục hơn. Nhiều nơi, cán bộ thi hành án còn đi cùng thừa phát lại để tống đạt văn bản giấy tờ cùng với thừa phát lại, giúp thừa phát lại vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu.

Trong năm 2013, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại cũng đã có nhiều hoạt động kiểm tra để đôn đốc, nắm bắt tình hình và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc tại một số tỉnh/thành phố. Các cơ quan Trung ương như: VKSNDTC, TANDTC và các đơn vị chuyên môn, theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc ngành mình phụ trách. Đặc biệt, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng thường xuyên kiểm tra, kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương trong giai đoạn thí điểm. Dù vậy, do thừa phát lại là chế định mới nên công tác phối hợp của các cơ quan có trách nhiệm triển khai có lúc, có nơi còn chưa tốt.

Khẳng định chủ trương đúng đắn.

Theo Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại, tính đến ngày 31/10/2014, thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, chế định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 51 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập; hoạt động các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khá tốt, với doanh thu đạt 63 tỷ 325 triệu 502 nghìn đồng; Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Như vậy, có thể khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận.

Thời gian tới, dù còn rất nhiều việc phải làm xong tin rằng với những kết quả khả quan ban đầu, thừa phát lại sẽ tiếp tục thí điểm thành công trong giai đoạn tiếp theo, để chuẩn bị hành trang vững chắc trước khi Quốc hội xem xét, quyết định các chủ trương tiếp theo.

                                            Thu Hằng