Họp báo cáo tình hình thực hiện Đề án xây dựng CSDLQG về XLVPHC

29/09/2015
Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013. Để triển khai thi hành Luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 về việc ban hành Kế hoạch triển khai và Danh mục nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC, trong đó Bộ Tư pháp được phân công chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, dựng Đề án xây dựng CSDLQG về XLVPHC (sau đây gọi chung là Đề án).

Ngày 24/9/2015, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã có buổi làm việc báo cáo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng về tình hình xây dựng Đề án trong thời gian qua. Buổi làm việc có sự tham gia của các đơn vị: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Cục Công nghệ thông tin và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính.

Sau khi nghe báo cáo của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, đại diện các đơn vị tham dự đã trao đổi, thảo luận về một số nội dung của dự thảo Đề án.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng phụ trách Đinh Trung Tụng cho ý kiến về một số nội dung cơ bản của dự thảo Đề án, đồng thời chỉ đạo Cục QLXLVPHC&TDTHPL trong thời gian tới tiếp tục thực hiện các hoạt động sau:

- Một là, báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng về về một số nội dung liên quan đến dự thảo Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

- Hai là, tiếp tục nghiên cứu, thảo luận với các chuyên gia của Bộ thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyên gia CNTT để hoàn thiện dự thảo Đề án.

- Ba là, tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án của một số đơn vị có liên quan như: Văn phòng Chính phủ, Bộ thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

- Bốn là, tổ chức họp Tổ Công tác để tiếp tục thảo luận nội dung dự thảo Đề án.

Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật

Theo báo cáo của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Dự thảo Đề án gồm 7 mục:

- Mục I. Sự cần thiết xây dựng Đề án (gồm cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, thực trạng ứng dụng CNTT trong XLVPHC tại các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và phân tích hiệu quả đầu tư).

- Mục II. Quan điểm chỉ đạo, phạm vi của Đề án.

- Mục III. Mục tiêu của Đề án (gồm mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể).

- Mục IV. Giải pháp thực hiện Đề án (gồm giải pháp về thể chế đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án, giải pháp về công nghệ, giải pháp về nguồn nhân lực, giải pháp về tài chính, giải pháp về quản lý rủi ro).

- Mục V. Nhiệm vụ và lộ trình thực hiện Đề án (giai đoạn 2015 – 2017, giai đoạn 2017 – 2020 và giai đoạn 2020 – 2025).

- Mục VI.  Kinh phí và cơ chế thực hiện Đề án.

- Mục VII. Tổ chức thực hiện Đề án.