Còn nhiều vấn đề phải quan tâm trong công tác xử lý vi phạm hành chính

31/03/2015
Còn nhiều vấn đề phải quan tâm trong công tác xử lý vi phạm hành chính
Thực hiện Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 25/3/2015 của UBND tỉnh Hậu Giang về công tác quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn tỉnh, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác XLVPHC, góp phần nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này, ngày 26/3/2015 vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội thảo: “Công tác XLVPHC trên địa bàn tỉnh - thực trạng và giải pháp”.

Tham dự hội thảo có hơn 90 đại biểu đến từ Văn phòng UBND tỉnh; văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; lãnh đạo và công chức pháp chế các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Phòng Tư pháp và lãnh đạo Văn phòng UBND các huyện, thị, thành; cùng lãnh đạo UBND và công chức Tư pháp - Hộ tịch của 10 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đặc biệt, có lãnh đạo Cục Công tác phía nam, Bộ Tư pháp đến dự và cùng chủ trì buổi hội thảo. Có 07 tham luận được trình bày tại hội thảo và có 8 lượt ý kiến thảo luận sâu về các nội dung có liên quan đến công tác XLVPHC

Tại hội thảo, bà Phạm Thanh Tuyền - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã trình bày thực trạng chung về công tác XLVPHC trên địa bàn tỉnh (kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc và phương hướng thực hiện công tác XLVPHC trong thời gian tới). Bài tham luận mang tính chất đề dẫn như một bức tranh toàn cảnh về công tác XLVPHC của tỉnh Hậu Giang. Phần lớn các ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo đều xoay quanh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình XLVPHC, cụ thể như: Việc lập biên bản XLVPHC; thời hiệu và thời hạn ra quyết định XLVPHC; tiêu chí để phân biệt hành vi vi phạm hành chính nào là phức tạp và đơn giản; việc xác định cá nhân hay tổ chức vi phạm hành chính; các biểu mẫu còn chồng chéo khó áp dụng; việc xử lý hàng hóa kém chất lượng và hàng hóa giả, phân bón giả…

Đặc biệt, ngành công an tỉnh và Cục Thuế tỉnh và Sở Công thương đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số Nghị định, Thông tư, các biểu mẫu áp dụng… nhằm đảm bảo tính khả thi hơn, sát hợp thực tế hơn. Có như thế mới tiến tới đảm bảo công bằng, không bỏ sót hành vi vi phạm, và cán bộ chức năng không vì sợ trách nhiệm bồi thường mà chần chừ, ngại ra quyết định xử phạt như các ý kiến đã đặt ra tại hội thảo.

Ngoài ra, việc trang bị cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, tăng thêm biên chế… cũng là vấn đề cần được quan tâm để đảm bảo cho công tác XLVPHC được tốt hơn.

Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía nam, Bộ Tư pháp cũng chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc mà hội thảo đặt ra, có ý kiến trong công tác theo dõi thi hành luật XLVPHC trên địa bàn tỉnh, như: cần quan tâm xây dựng Quy chế phối hợp của đoàn công tác liên ngành về XLVPHC. Đặc biệt, bà thống nhất cao với dự kiến thành lập Tổ Chuyên viên giúp việc trong công tác XLVPHC, cần tăng cường công tác phối hợp để nâng cao chất lượng công tác này, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự trong giai đoạn hiện nay./.                                                     

                                                 Sao Mai