Xử phạt hành chính năm 2014 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

20/11/2014
Xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước. Đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm.

Xác định rõ vấn đề này ngày 29/01/2013 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 133/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch triển khai Luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở kế hoạch này Sở Tư Pháp Quảng Trị đã tiến hành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 421/KH-UBND ngày 20/2/2014 về việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2014 đối với lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính từ năm 2012 đến 30/4/2014 tại các đơn vị: Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, UBND thành phố Đông Hà, UBND phường I; UBND huyện Vĩnh Linh, UBND xã Vĩnh Nam; UBND huyện Triệu Phong, UBND xã Triệu Đại; UBND huyện Đakrông, UBND xã Mò Ó. Qua kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính Năm 2014 trên địa bàn tỉnh nhận thấy công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về vi phạm hành chính nói riêng được các cơ quan, đơn vị ngày càng được chú trọng và nâng cao hình thức và chất lượng; vai trò phối hợp giữa các ngành, địa phương và các tổ chức, đoàn thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đang từng bước được phát huy hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, công chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính và nhân dân ngày càng được nâng lên. Về cơ bản, việc xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian qua được các địa phương thực hiện theo đúng quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Việc áp dụng các quy định trong thực tiễn về xử lý vi phạm hành chính được tiến hành nghiêm túc, đúng quy định, đạt hiệu quả cao. Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình đã chủ động thực hiện kế hoạch kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm hành chính, lập hồ sơ vi phạm hành chính, tham mưu cho người có thẩm quyền ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính kịp thời và đúng pháp luật. Trong một số lĩnh vực phức tạp hoặc liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, các cơ quan đã chủ động tham mưu cho UBND huyện quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về thi hành pháp luật nhằm chấn chỉnh các hoạt động trong các lĩnh vực như: Kinh tế, Bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, vận chuyển lâm sản....

Việc tổ chức triển khai, ban hành các văn bản để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính được kịp thời, đầy đủ. Các văn bản ban hành đúng tiến độ, đảm bảo tính thống nhất, không có quy định trái, chồng chéo, mâu thuẫn với quy định pháp luật, phù hợp với: điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, truyền thống văn hóa và phong tục tập quán của địa phương. Việc chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính của các địa phương đạt kết quả cao, tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành vì vậy, không có trường hợp nào khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong thời gian qua các đơn vị còn một số tồn tại như:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực chưa được các địa phương quan tâm đúng mức và chưa được tiến hành thường xuyên, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ và phát triển rừng, khoáng sản ... nên nhận thức của người dân đối với các lĩnh vực này còn hạn chế, dẫn đến số tình trạng vi phạm còn cao.

- Một số trường hợp vi phạm hành chính ở cở sở phát hiện chậm, việc xử lý chưa được kịp thời, dứt điểm và thiếu kiên quyết.

- Các cơ quan có chức năng có liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, chưa quan tâm đến tính khả thi của việc ra Quyết định (hậu kiểm) dẫn đến một số trường hợp đối tượng bị xử phạt không chấp hành quyết định nhưng không có hình thức xử lý tiếp theo nên đối tượng tiếp tục vi phạm.

- Đa số hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của các đơn vị đều vi phạm về mặt thể thức như: Thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính chưa bảo đảm; lập biên bản chưa đầy đủ các nội dung yêu cầu trong biên bản; Người vi phạm không ký vào biên bản mà biên bản do người khác ký. Trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính người ra Quyết định xử phạt bị thiếu đối tượng và một số lỗi sai sót về kỹ thuật như: ghi chép các biểu mẫu xử phạt chưa đúng quy định, nội dung viện dẫn văn bản pháp luật làm căn cứ để xử phạt chưa chính xác.

Nguyên nhân của các tồn tại trên là do một số đối tượng ở ngoài địa bàn quản lý, khó có điều kiện áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm chính như: Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề..., một số đối tượng khó khăn về kinh tế, không có khả năng nộp phạt.

Lực lượng cán bộ thanh tra ở một số đơn vị còn mỏng chưa được tập huấn chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính do đó việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với một số đơn vị còn hạn chế.

Qua công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính năm 2014 theo kế hoạch của UBND tỉnh Đoàn kiểm tra đã cùng các ngành, địa phương phát hiện những khó khăn, vướng mắc bất cập, hạn chế trong việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng./.

                                                Bùi Thị Hồng