Tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

20/11/2014
Thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 24/10/2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án “Thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Việc ban hành Đề án nhằm tổ chức thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính một cách thống nhất, toàn diện, hiệu quả, đảm bảo trật tự quản lý Nhà nước và phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm, tiêu cực, tham nhũng, góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện về tổ chức bộ máy, biên chế cho các ngành, các cấp thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thực hiện nghiêm túc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Đề án xác định sáu nội dung trọng tâm cần thiết phải triển khai thi hành như sau:

Một là, Kiện toàn tổ chức, biên chế thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính: Bố trí hợp lý cán bộ chuyên trách cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch cho UBND cấp xã để giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, Đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Trang bị cơ sở vật chất đảm bảo cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; xây dựng, tiếp nhận và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Ba là, Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Bốn là, Phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Năm là, Tổ chức thanh tra theo kiến nghị của Sở Tư pháp hoặc khi có phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên địa bàn.

Sáu là, Kiểm tra, báo cáo và đánh giá việc thực hiện việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định: Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp để tổng hợp) những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện theo định kỳ 6 tháng, 1 năm.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành tỉnh có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung nhiệm vụ được giao và đề nghị MTTQ và các tổ chức trực thuộc tham gia giám sát, tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả. Báo Bắc Ninh, Đài PTTH tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, cùng với việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án và Quyết định thành lập Phòng pháp chế tại 14 Sở thuộc UBND tỉnh việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” tiếp tục khẳng định sự quan tâm của tỉnh đối với công tác tư pháp nói chung và công tác pháp chế Sở, ngành nói riêng. Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án trong thực tế để công tác thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả hơn./.