“Công tác tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Do vậy, lãnh đạo xã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác này, từ việc bố trí 2 cán bộ làm tư pháp, tạo mọi thuận lợi để họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời quan tâm dự toán kinh phí chi cho lĩnh vực tư pháp… nên kết quả công tác Tư pháp đạt được rất tốt” ông Nguyễn Định - Chủ tịch UBND xã Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) khẳng định như vậy.
Từ giải quyết hồ sơ không được tồn đọng
Ông Nguyễn Định cho biết: Triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng ủy xã xác định việc học tập phải bằng việc làm cụ thể, không hô hào suông. Từ đó, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết yêu cầu, ngay từ đầu năm, từng cán bộ công chức thuộc quyền quản lý của xã phải biết được việc nào mình chưa làm tốt, vấn đề nào còn hạn chế, rồi tự giác đăng ký đến cuối năm sẽ khắc phục xong từ 1 đến 2 việc. Còn về danh hiệu thi đua thì phải phấn đấu giữ và đạt vượt thành tích của năm trước. Riêng đối với công tác tư pháp, khi giải quyết hồ sơ của người dân, không được phép để tồn đọng. Quá trình tham mưu cho lãnh đạo xã giải quyết đơn thư phải đúng qui trình, đúng thời hạn luật định…. Các hoạt động khác thuộc về công tác tư pháp như hòa giải, phổ biến pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật, chứng thực… phải đảm bảo duy trì tốt, ổn định.
Với tinh thần đó, các hoạt động của tư pháp xã diễn ra sôi nổi và đạt chất lượng cao. Trong năm qua, Tư pháp xã đã soạn thảo và tham gia soạn thảo 920 văn bản các loại, rà soát và tự kiểm tra 100% văn bản do HĐND và UBND xã ban hành; tổ chức 4 buổi tuyên truyền các văn bản pháp luật mới cho 677 lượt người dự nghe, tham mưu cho UBND xã tổ chức 3 Hội thi (sát hạch kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam); Phối hợp với cán bộ Văn hóa thông tin tuyên truyền 182 lần trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Trong công tác hộ tịch, xã đã thực hiện đăng ký khai sinh 199 trường hợp; kết hôn: 108 trường hợp; xác nhận tình trạng hôn nhân: 131 trường hợp; cải chính hộ tịch 5 trường hợp; đăng ký khai tử: 50 trường hợp.
Năm 2013, xã đã chứng thực 22 văn bản thuận phân chia di sản thừa kế, cấp 620 bản sao từ sổ gốc, chứng thực 11376 bản sao, chứng thực 201 hợp đồng giao dịch về bất động sản…thu 27.839.000 đồng lệ phí. Công tác hòa giải luôn được chú trọng, trong năm xã đã thụ lý 22 đơn, hòa giải thành 20 đơn, đạt tỷ lệ 91%. Tủ sách pháp luật tại UBND xã và 6 thôn được bổ sung 66 đầu sách mới, nâng tổng số đầu sách trên địa bàn lên 1.024 đầu sách, góp phần tích cực vào việc giúp cán bộ nhân dân trong xã có điều kiện tìm hiểu, tra cứu văn bản để phục vụ công tác và vận dụng trong cuộc sống.
Đến quy trình “3 trong 1”
Ông Nguyễn Định thông tin thêm, từ ngày 01/9/2013, xã triển khai quy trình “3 trong 1” trong đăng ký hộ tịch. Theo quy trình, khi người dân đến đăng ký khai sinh cho con, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch thực hiện xong phần khai sinh sẽ chuyển sang cho Công an xã để nhập sinh vào Sổ hộ khẩu gia đình. Tiếp đến, cán bộ Gia đình trẻ em sẽ làm Bảo hiểm y tế cho trẻ. Sau khi hoàn chỉnh sẽ trả kết quả cho dân. Như vậy, dân chỉ đến UBND xã một lần nhưng làm được 3 thủ tục cho con.
Không dừng lại ở đó, trong đăng ký khai tử, xã áp dụng quy trình “2 trong 1”. Nghĩa là, khi người dân đến làm thủ tục đăng ký khai tử cho người thân trong gia đình, cán bộ Tư pháp làm xong thủ tục cấp Giấy khai tử sẽ chuyển cho Công an xã để làm thủ tục giảm khẩu trong Sổ hộ khẩu, sau đó chuyển trả cho người dân theo lịch hẹn. “Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ bộ phận “1 cửa” có trách nhiệm phải giải thích cặn kẻ mọi thủ tục để người dân hiểu, các bộ phận liên quan phải phối hợp chặt chẽ để giải quyết hồ sơ đúng hẹn, không được để người dân đi lại nhiều lần. Làm tốt việc phục vụ nhu cầu chính đánh của người dân chính là thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ” ông Định khẳng định.
Cũng theo quan điểm của lãnh đạo xã, chủ yếu là công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Cán bộ xã phải đảm bảo việc giải thích rõ ràng để người dân hiểu các quy định của nhà nước, của pháp luật. Về phía người dân, họ có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm túc các quy định chứ không phải thích thì làm, còn không thích thì thôi, phải luôn giữ vững kỷ cương phép nước.
Tuy mới triển khai chưa lâu, nhưng quy trình mới nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của đội ngũ cán bộ xã. Tính đến 31/10/2013, bộ phận “1 cửa” đã tiếp nhận và giải quyết được 34 trường hợp “3 trong 1”, 15 trường hợp theo quy trình “ 2 trong 1”. Đặc biệt, chưa có trường hợp nào chậm so với lịch hẹn, người dân rất phấn khởi với cách làm của xã.
Đánh giá về hoạt động tư pháp xã Ninh Sim, ông Trần Bão – Trưởng phòng Tư pháp thị xã Ninh Hòa nhận xét: “Trong số 27 xã, phường trên địa bàn thì Ninh Sim là địa phương luôn dẫn đầu trong nhiều phong trào thi đua. Các hoạt động chuyên môn của ngành được thực hiện nề nếp, đa dạng và ổn định trong nhiều năm liền. Nổi bật nhất là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả cao. Lãnh đạo xã rất quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này; anh em cán bộ làm việc khá đều tay nên đã có nhiều mô hình hay, mang ý nghĩa tích cực xuất phát từ xã, qua thời gian được nhân rộng ra khắp thị xã như việc tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật, mới đây là triển khai quy trình “3 trong 1” đối với đăng ký hộ tịch. Vừa rồi, qua bình xét cuối năm của Khối thi đua tư pháp xã phường, Ninh Sim là một trong hai đơn vị được bình chọn đề nghị Sở Tư pháp khen thưởng. Không chỉ trong công tác Tư pháp, các lĩnh vực an ninh chính trị, kinh tế xã hội của Ninh Sim luôn được các xã bạn và lãnh đạo thị xã đánh giá cao”.
Đặng Hữu