Thú vị kinh nghiệm tổ chức các đợt cao điểm thi hành án dân sự ở Long An

02/07/2013
Tại Long An, những vụ việc có giá trị nhỏ từ 1 triệu đồng trở xuống, UBND cấp xã giao cho các tổ vận động trực tiếp gặp người phải thi hành án để vận động thi hành. Những vụ việc có giá trị phải thi hành từ 1 triệu đồng trở lên, Chấp hành viên phối hợp với các tổ, đoàn vận động thi hành. Riêng đối với những trường hợp chây ỳ, có điều kiện nhưng không chịu thi hành, vận động 3 lần, thuyết phục nhẹ nhàng không chấp hành sẽ phát thông báo lên đài. Có trường hợp mới phát buổi sáng, buổi chiều đương sự đã đến nộp tiền. 

Áp lực ngày càng tăng

Long An là địa phương có vị trí địa lý hết sức đặc biệt, tuy nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long song lại thuộc Vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường ranh giới quốc gia với Campuchia và 2 cửa khẩu quan trọng là Bình Hiệp (Mộc Hóa) và Tho Mo (Đức Huệ). Với dân số khoảng 1,7 triệu người, số vụ việc thụ lý thi hành hàng năm đều tăng cao. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2013, tổng số vụ việc thụ lý thi hành trên 18 nghìn việc, số tiền phải thi hành án là hơn 1.182 tỷ đồng. Mặc dù số vụ việc tăng nhanh hàng năm nhưng toàn ngành hiện có 175/201 cán bộ công chức (CBCC) và 27 hợp đồng lao động theo NĐ 68; 32 hợp đồng khác với 66 Chấp hành viên , 07 Thẩm tra viên 15 Thư ký THA.

Nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành dứt điểm, bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, của cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân. Một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được tập trung giải quyết, góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước, của tỉnh, tạo tiền đề cho phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số lượng lớn các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chưa được tổ chức thi hành dứt điểm, gây bức xúc trong xã hội, nhất là người được thi hành án, người phải thi hành án đòi hỏi phải được giải quyết.

Xuất phát từ tình hình trên lãnh đạo Cục THADS tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác THADS, trong đó có giải pháp mở các đợt cao điểm tập trung THADS. Kết quả thi hành án dân sự hàng năm là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của UBND cấp huyện và cấp xã.

Cả xóm, ấp vào cuộc

Để làm tốt việc này, Lãnh đạo Chi cục THADS chỉ đạo các Chấp hành viên rà soát lên danh sách cụ thể các vụ việc còn phải thi hành án theo từng địa bàn phường, xã, thị trấn, khu phố, ấp…Sau khi dự triển khai ở cấp huyện, từng xã, phường, thị trấn chủ động mở hội nghị triển khai cho các ngành đoàn thể ở cấp xã, trưởng, phó ấp, khu phố tham gia vào công tác THADS. Căn cứ vào danh sách người phải thi hành án theo  từng xã mà Chi cục THADS đã gửi để làm cơ sở phối hợp với cơ quan THADS trong xác minh, vận động, cưỡng chế thi hành án dân sự.

Chủ tịch UBND cấp xã thành lập tổ vận động để tiến hành vận động THA. Thành phần tổ vận động gồm Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch làm tổ trưởng, các thành viên gồm cán bộ tư pháp, công an, Mặt trận và các đoàn thể ở cấp xã, trưởng hoặc phó ấp, khu phố. Về phía các Chấp hành viên Chi cục THADS có lịch ấn định ngày giờ cụ thể để đến phối hợp với UBND cấp xã trong  xác minh, vận động THA.

Qua xác minh, nếu người phải thi hành án không có điều kiện thi hành thì Chấp hành viên xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc phối hợp xác minh với UBND cấp xã chưa xác định được người phải thi hành án có điều kiện hay chưa có điều kiện thi hành mà cần phải xác minh tiếp ở các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thì Chấp hành viên chủ động có kế hoạch xác minh tiếp. Qua xác minh người phải thi hành án có điều kiện thi hành án, đối với những vụ việc có giá trị nhỏ từ  1 triệu đồng trở xuống, UBND cấp xã giao cho các tổ vận động trực tiếp gặp người phải thi hành án để vận động thi hành, Chấp hành viên không phải vận động (huyện Châu Thành, TP Tân An, huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc…). Những vụ việc có giá trị phải thi hành từ 1 triệu đồng trở lên Chấp hành viên phối hợp với các tổ, đoàn vận động để thực hiện việc vận động THA. Những vụ việc qua vận động nhiều lần (3 lần) mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên thống nhất với cấp ủy xây dựng kế hoạch cưỡng chế thi hành án.

Đối với bên phải thi hành án là công chức, đảng viên hoặc có người thân là cán bộ, công chức, đảng viên thì phân công các thành viên tổ vận động, cấp ủy địa phương mời đến động viên, giải thích tự nguyện thi hành án. Nếu không tự nguyện tổ chức Đảng xử lý kỷ luật về mặt Đảng ( đã có 02 trường hợp bị xử lý về mặt Đảng do không tự nguyện THA).

Riêng đối với những trường hợp chây ỳ, có điều kiện nhưng không chịu thi hành, vận động 3 lần, thuyết phục nhẹ nhàng không chấp hành sẽ phát thông báo lên đài và rất có hiệu quả. Có trường hợp mới phát buổi sáng, buổi chiều đương sự đã đến nộp tiền.  

Nhờ đó, kết quả THADS tại Long An có nhiều chuyển biến đáng kể. Năm 2011 đã giải quyết xong 12.610 việc chiếm tỷ lệ 83,59% trên tổng số việc có điều kiện thi hành. Năm 2012 giải quyết 13.970 việc, chiếm tỷ lệ 85,06% , sáu tháng đầu năm nay đã giải quyết xong 5.354 việc, chiếm tỷ lệ 40,11% trên tổng số việc phải thi hành.

Đến nay, có thể nói ở Long An cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác THADS. Qua nhiều năm tổ chức các đợt cao điểm tập trung THADS đã hình thành cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan tư pháp, cơ quan THADS làm tham mưu, nòng cốt, các ngành, MTTQ, các đoàn thể tham gia phối hợp thi hành án dân sự đã đem lại những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong công tác THADS.

Hà Phương Thảo