Bác Hồ của chúng ta là một nhà tư tưởng thiên tài, nhưng trước hết và trên hết Người là hiện thân của khát vọng giải phóng con người cần lao, của đạo đức sống, đấu tranh để đem lại hạnh phúc cho con người, vì con người.
Đạo đức của Bác xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, Bác đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản. Trong đạo đức của Người, Bác đi từ đạo đức của người yêu nước đến đạo đức của người cộng sản. Phẩm chất đạo đức trong con người của Bác là phẩm hạnh, tác phong, quy phạm cao đẹp, là phương hướng, phương thức đúng đắn nhất để Người thực hiện tư tưởng vì dân, vì nước, vì hạnh phúc của con người. Đạo đức của Bác là sự kết tụ, tỏa sáng cao nhất, tinh túy nhất tư tưởng của Bác. Ở Người, phẩm chất tư tưởng và phẩm chất đạo đức hòa quyện, thống nhất làm một và luôn được thể hiện mãnh liệt và nhất quán – đó là phẩm chất người cộng sản.
Phẩm chất người cộng sản Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng văn hoá dân tộc Việt: Đó là văn hoá vì nghĩa vì tình, văn hoá yêu nước thương nòi; đó là sự hiếu hoà, khoan dung, tâm công theo tinh thần nhân văn truyền thống ngàn năm của dân tộc. Cuộc đời của người cách mạng Hồ Chí Minh là cuộc đời của một nhân cách luận cách mạng mẫu mực, trong đường lối chính trị lấy đoàn kết làm nền tảng sách lược, cho nên, để quy tụ, dẫn dắt quần chúng không thuần túy bằng con đường kinh tế, con đường bạo lực dựa trên kỷ luật mà còn theo chính con đường nhân cách luận cách mạng - con đường nêu gương.
Vậy nên, cái gốc đạo đức, cốt lõi đạo đức của Bác là tấm lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, sâu sắc, là tư tưởng suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, luôn luôn quên mình, hy sinh bản thân mình, không hề vướng bận mưu cầu danh lợi cá nhân. Khi ở vào đỉnh cao quyền lực, Người nói:“Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận vậy.
Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi sẽ làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”
Bác dạy :
Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu Cách mạng trên nền nhân dân.
Trong tư tưởng của Bác, nhân dân là lực lượng đồng thời cũng là gốc của sự nghiệp Cách mạng, quyết định đến sự thành bại của Cách mạng. Do đó, mọi chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và mọi thái độ, việc làm của cán bộ, đảng viên khi tham gia thực hiện các công việc của Đảng và Nhà nước đều phải xuất phát từ nhân dân và vì nhân dân. Bác luôn yêu cầu cán bộ đảng viên phải đặc biệt ý thức được mình là “người đầy tớ”, là công bộc của dân để làm tốt vai trò là người phục vụ nhân dân, bởi vì chỉ có làm tốt vai trò người đầy tớ, công bộc của dân thì mới có thể lãnh đạo được nhân dân – Đây chính là điểm then chốt, là hạt nhân để tạo nên phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Là những người đứng trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước, càng trải nghiệm thực tế, càng nghĩ ta càng thấm thía lời dạy của Bác rằng: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”.
Nói đến tính Liêm, Chính của người cán bộ cách mạng, Bác nêu một định nghĩa như là một điểm tựa cho phẩm giá của mỗi chúng ta: “ Liêm nghĩa là trong sạch, là luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân, không tham địa vị, không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Vì vậy mà quang minh chính đại” Như vậy theo Bác, cần có “liêm” là để có “chính”.
Là người đề ra và xây dựng nên những giá trị chuẩn mực đạo đức cao đẹp cho cán bộ, đảng viên hướng tới, rèn luyện, phấn đấu, đồng thời Bác Hồ với tư cách là một lãnh tụ tối cao của dân tộc luôn là người nêu gương thực hành, là tấm gương vô cùng trong sáng, mẫu mực về đạo đức suốt đời. Giá trị thực tiễn cao đẹp của tư tưởng của Bác là ở chỗ gắn bó chặt chẽ với cuộc sống, nói đi đôi với làm. Bác dạy : “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “ Một tấm gương sống còn hơn vạn bài diễn thuyết” – Có như vậy cán bộ, đảng viên mới được nhân dân tin yêu, quý trọng.
Là con người vô cùng lỗi lạc, vĩ đại về tư tưởng, trí tuệ, nhân cách, sự nghiệp, đồng thời Bác cũng là con người hết sức bình dân, giản dị, hòa mình với muôn triệu người dân, luôn quên bản thân mình để yêu thương, quan tâm đến từng thân phận con người, từng gốc cây, ngọn lúa, bờ tre. Và càng bình dân, giản dị, quên mình, nên Bác càng trở nên vĩ đại và càng được mọi người kính yêu, ngưỡng mộ.
Trí tuệ thiên tài và tấm lòng bao la vì dân vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn có sức lay động tình cảm, con tim của bất kể những ai có dịp được gặp Bác, được ở gần bên Bác. Nhà thơ Tố Hữu đã nói giúp mỗi chúng ta sự cảm nhận kỳ diệu rằng: Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”. Từ đạo làm người, Bác truyền cho chúng ta nguồn cảm hứng, tinh thần, khí thế để vươn tới những giá trị cao quý, vẻ vang của đạo làm cán bộ, bất kể những rào cản khó khăn, thử thách, chông gai trong cuộc sống. Có thể nói, học tư tưởng, đạo đức của Bác là học nhân cách luận, là học về cách làm người. Đó là: Phẩm chất hy sinh, quên mình vì nhân dân, vì tập thể, vì cái chung; là tính nhân văn, nhân ái, tình đồng chí yêu thương lẫn nhau trên cơ sở tình thương và lẽ phải; là sự đi đầu thực hiện để nêu gương cho mọi người.
Trải qua các giai đoạn cách mạng của Đảng, của đất nước, dù chức năng, nhiệm vụ có sự thay đổi, nhưng với đặc trưng công tác của Bộ, của Ngành Tư pháp, có thể nói mỗi một cán bộ, công chức, viên chức của Ngành ở những vị trí công tác khác nhau, ở những góc độ, mức độ biểu hiện khác nhau đều là những nhà chính trị, nhà cách mạng có vai trò tham gia cải tạo xã hội, xây dựng những giá trị tiến bộ của xã hội. Vậy nên, trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2/1948, Bác xác định với cán bộ của Ngành rằng: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc”
Tư tưởng tất cả vì nhân dân, vì con người, ở bình diện hẹp hơn, gần gũi hơn, đó chính là cơ sở có tính nền tảng thiết yếu để tạo nên và bảo đảm cho vị thế, uy tín, danh dự, hạnh phúc, hiện tại và tiền đồ của Bộ, Ngành Tư pháp, cụ thể hơn là của những cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp.
Tư tưởng tất cả vì nhân dân, vì con người càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Đảng, Nhà nước ta đang sửa đổi Hiến pháp 1992, mà trong đó Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp đang đóng một vai trò nòng cốt.
Với những ý nghĩa nêu trên, việc xây dựng và ban hành “Chuẩn mực đạo của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp” là một sự kiện đặc biệt trong lịch sử xây dựng và phát triển của Ngành, đánh dấu một bước chuyển lớn của Ngành trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên Ngành ta có một bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chung, toàn diện, thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức của toàn Ngành, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi Đảng ta đang quyết tâm thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ để tăng cường phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp đang không ngừng được mở rộng, tăng cường, đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề trong công tác quản lý nhà nước. Vượt lên khỏi một văn bản hành chính, bản Chuẩn mực với sự thể hiện cô đọng, nổi bật, khái quát cao những lời dạy của Bác đối với Ngành – như là món quà tinh thần thiêng liêng mang tâm nguyện, tinh thần của toàn Ngành dâng lên Bác, báo cáo với Bác và hứa đinh ninh với Bác. Qua đó chúng ta như thấy Bác vẫn như dõi theo từng bước đi lên của Ngành, nhắc nhở mỗi cán bộ công chúc, viên chức của Ngành tự soi mình hàng ngày để xứng đáng với mong mỏi của Người.
5 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Ngành đều có một trục, một điểm hướng tâm, một tọa độ quy chiếu, đó là ý thức, là phẩm chất vì nước, vì dân của cán bộ, công chức, viên chức của Ngành. Lòng yêu nước, yêu nhân dân được thể hiện tiêu biểu, nhất quán bằng những việc làm cụ thể gắn bó mật thiết với công việc của Ngành. Chúng ta tuân thủ nguyên tắc, phương pháp thực hiện công tác tư pháp “Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” hay thực hiện phẩm chất đạo đức đối với đồng nghiệp “Đoàn kết, thân ái,hợp tác, cùng tiến bộ”; thực hiện yêu cầu nêu gương đối với bản thân là “ Cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật” thì trước hết và trên hết cũng là vì đất nước, vì nhân dân, cho nhân dân.
Hơn ai hết, mỗi cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, đặc biệt là những đảng viên – những người đang đứng trong đội ngũ hành động vì công lý, công bằng, dân chủ của con người, của tiến bộ xã hội ý thức sâu sắc rằng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm vinh dự, vẻ vang, là nguồn sức mạnh tinh thần vô địch giúp chúng ta luôn đứng vững trước mọi thử thách, gian nan để vươn tới trước.
Học nhân cách luận, học về cách làm người nhân văn, nhân ái trong tư tưởng, đạo đức của Bác, chúng ta ý thức sâu sắc rằng: Một trong những giải pháp quan trọng để có thể thực hiện tốt Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Ngành là đồng thời với việc đề cao tính nêu gương, đi đầu thực hiện của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và sự cố gắng tự thân của mỗi người, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, nâng đỡ của tập thể để mỗi người tự vươn lên; tập thể phải là chỗ dựa, điểm tựa cho mỗi thành viên của mình; phải có tình đồng chí, đồng nghiệp yêu thương, đoàn kết.
Phát biểu về định hướng, yêu cầu quán triệt và triển khai thực hiện “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức viên chức Ngành Tư pháp” tại Hội nghị của Ngành vào ngày 08/12/2012, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Việc đưa Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Ngành đi vào cuộc sống là thể hiện của sự tiếp nối, phát huy truyền thống quý báu của Ngành, là biểu hiện sinh động, sâu sắc nhất của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những yếu tố có tính quyết định quan trọng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Ngành Tư pháp trong thời gian tới”. Điều đó cũng là để góp phần thực hiện lời hứa thiêng liêng của toàn Ngành đã được khắc ghi trang trọng trên bia tưởng niệm tại Di tích lịch sử trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp tại Tuyên Quang: “Cán bộ Tư pháp Việt Nam tri ân, ghi sâu công lao của các thế hệ đi trước, phát huy truyền thống của Ngành, trung thành, sáng tạo, tận tụy, đoàn kết phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Hoàng Hà - Văn phòng Bộ