Huyện Mường Khương làm tốt công tác hòa giải

07/02/2012
Huyện Mường Khương thuộc tỉnh Lào Cai là huyện vùng cao biên giới thuộc một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở đến nay toàn huyện đã kiện toàn được 226 Tổ hoà giải ở cơ sở/226 thôn với 904 hoà giải viên. Tỷ lệ số vụ việc hoà giải thành đã tăng lên rõ rệt, trung bình trong 07 năm qua là 85 %. Thông qua các vụ việc hoà giải các tranh chấp nhỏ đã được giải quyết trong nhân dân, giảm khoảng 15 % các loại vụ việc tranh chấp phải chuyển đến Toà án nhân dân hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết.

Để đạt được chất lượng và hiệu quả của công tác hòa giải là do Huyện uỷ, UBND các cấp  trên địa bàn huyện Mường Khương luôn quan tâm đến công tác hoà giải, có những biện pháp phù hợp duy trì, củng cố và phát triển tạo cơ sở pháp lý cho công tác này không ngừng phát triển và phát huy tác động tích cực đối với đời sống xã hội.

Hàng năm, Hội đồng phổ biến giáo dục cấp huyện và các xã, thị trấn đều ban hành Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung tăng cường các hoạt động của hoà giải ở cơ sở. Đặc biệt, Phòng Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã tổ chức kiện toàn tổ hoà giải và đội ngũ những người làm công tác hoà giải. Việc phối hợp giữa cơ quan Tư pháp luôn với Mặt trận tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức rà soát, kiện toàn mạng lưới tổ hoà giải và đội ngũ những người làm công tác hoà giải trên cơ sở đó có đề xuất củng cố kiện toàn về tổ chức của các tổ hoà giải. Công tác phối hợp ngoài tính chất hành chính, chuyên môn còn mang tính xã hội rộng rãi, kết hợp giữa quản lý Nhà nước với sự tham gia của nhân dân. UBND các cấp đã xây dựng các kế hoạch tập huấn ở cấp xã để tập huấn pháp luật cho hòa giải viên, đồng thời qua công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đã có 657.162 lượt hòa giải viên, nội dung pháp luật được bồi dưỡng nghiệp vụ gồm: Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật bảo vệ môi trường, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, kỹ năng giải quyết tranh chấp dân sự, kỹ năng thuyết phục các bên tranh chấp, kỹ năng phối hợp giữa tuyên truyền pháp luật và hòa giải cơ sở, kỹ năng lập biên bản xử lý vụ việc, kỹ năng báo cáo kết quả hòa giải, thực hành xử lý các tranh chấp thường diễn ra trong thực tế đời sống dân cư; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho lực lượng hòa giải cơ sở; tăng cường vận động hòa giải viên mượn sách pháp luật về đọc.

Qua 7 năm thực hiện hoạt động hoà giải ở cơ sở, các Tổ hoà giải trên địa bàn toàn huyện Mường Khương  đã giải quyết  810 vụ việc mâu thuẫn, trong đó hoà giải thành 760 vụ việc hoà giải về tranh chấp tài sản, các quyền lợi hợp pháp khác trong cộng đồng dân cư đất đai, thừa kế, mua bán, vay mượn...trong sinh hoạt cộng đồng như: tranh chấp trong quan hệ hôn nhân và gia đình, mâu thuẫn vợ chồng, cha mẹ,con cái, họ hàng, làng xóm đường đi lối lại, điện nước... số vụ việc hoà giải không thành hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết 50 vụ việc.

Các Tổ hoà giải ở cơ sở được thành lập theo mô hình mỗi thôn có ít nhất một Tổ hoà giải, mỗi tổ ít nhất có 03 thành viên, nhiều nhất là 08 thành viên, có thể là đại diện của Mặt trận tổ trận Tổ quốc, Phụ nữ, Thanh niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi và công an viên. Qua quá trình hoạt động các Tổ hoà giải ở cơ sở đã phát huy được tổ chức tự quản của nhân dân, bởi lẽ hoà giải viên là người sở tại, họ được chính cộng đồng dân cư ở các thôn bầu ra và được chính quyền xã công nhận.

Tuy nhiên, ông Vàng Sảo Dũng, Phó Trưởng phòng Tư pháp Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết vẫn còn vấn đề khó khăn nảy sinh khi triển khai như đội ngũ hoà giải tham gia trên cơ sở hiểu biết cá nhân về pháp luật và phong tục tập quán trong khi pháp luật thì rất nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản phải được cập nhật thường xuyên, phải nắm được một cách có hệ thống mới có thể giải quyết tốt những vấn đề phát sinh.

Công tác hoà giải đã góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, xây  dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá ở cơ sở, củng cố khối đoàn kết cộng đồng, đồng thời góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn và trợ giúp pháp lý.  

Nguyễn Lê Hằng