Thông cáo báo chí về việc đón Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc

13/06/2024
Được sự phê duyệt của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (Công văn số 3999/VPCP-QHQT ngày 10/6/2024 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan đón và làm việc với Đoàn Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc (MOLEG) do ông LEE Wan-kyu, Bộ trưởng làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam trong các ngày từ 12-14/6/2024 (thành phần Đoàn công tác tại Phụ lục kèm theo Báo cáo này). Bộ Tư pháp xin thông tin về kết quả chuyến thăm và làm việc của Đoàn Bộ trưởng Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc tại Việt Nam với các nội dung cụ thể như sau:
I. Kết quả thực hiện chương trình làm việc tại Bộ Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
1. Hội đàm giữa Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc (chiều ngày 13/6/2024)
Đây là hoạt động cụ thể, thiết thực trong triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc năm 2012, trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc (được nâng cấp vào tháng 6/2023).
Tại Hội đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long đã đánh giá cao quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua, khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Hàn Quốc, mong muốn hai nước tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để tương xứng với nội hàm và thực chất quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, triển khai thực hiện hiệu quả "Chương trình hành động về triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc" được ký nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Việt Nam vào tháng 6/2023. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc đã cùng trao đổi chuyên sâu về các nội dung cụ thể sau:
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng nhấn mạnh với số lượng đông đảo người Việt Nam tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc hiện đang cư trú, làm việc tại Việt Nam, các quan hệ giao lưu dân sự, hôn nhân-gia đình, thương mại…. giữa hai Bên đang ngày càng gia tăng về số lượng kèm theo đó là một số vấn đề pháp lý phát sinh.
Trên cơ sở đó, hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất nhằm tạo cơ sở và nền tảng để vừa đảm bảo quyền và lợi ích của công dân hai nước, vừa đảm bảo nền tảng cho sự phát triển chung giữa hai nhà nước.
Về hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao việc thời gian qua, hai Bộ đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện tương đối hiệu quả Bản Ghi nhớ hợp tác ký ngày 28/6/2012.
- Phía Việt Nam đánh giá cao quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua và khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Hàn Quốc, mong muốn hai nước tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả “Chương trình hành động về triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc” được ký nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Việt Nam vào tháng 6/2023.
- Phía Việt Nam giới thiệu khái quát Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, theo đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW đặt ra nhiều yêu cầu nhiệm vụ mới đối với Chính phủ Việt Nam nói chung, Bộ, Ngành Tư pháp nói riêng, đặc biệt là công tác chuyển đổi số (trong tất cả các khâu từ xây dựng pháp luật đến tổ chức thi hành pháp luật, quản lý nhà nước một số lĩnh vực mà Bộ Tư pháp được giao). Do vậy, việc mở rộng và tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, sẽ hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam trong công tác này. 
- Hai Bên đánh giá cao sự phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Bản Ghi nhớ hợp tác ký ngày 28/6/2012 giữa hai Bộ. Đồng thời, đề nghị hai Bộ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác cụ thể như: tích cực phối hợp, tăng cường hợp tác trong nâng cao hiệu quả hệ thống thông tin pháp luật tại Việt Nam gắn với yêu cầu chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật, phổ biến pháp luật thông qua các hình thức linh hoạt; phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương về hợp tác pháp luật.
- Phía Hàn Quốc giới thiệu ý tưởng về thành lập một cơ quan tư vấn đa phương về hợp tác pháp luật hoạt động trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng và có đi có lại nhằm thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các nước Châu Á. Thông qua cơ quan tư vấn đa phương này, các Bên sẽ triển khai nhiều hoạt động hợp tác chung như nghiên cứu các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý lập pháp, thúc đẩy số hóa các đạo luật và trao đổi chuyên gia nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương giữa các nước Châu Á. 
- Phía Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao đề xuất của MOLEG và đề nghị phía Hàn Quốc cung cấp thêm thông tin để Bộ Tư pháp Việt Nam có cơ sở phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu và trả lời chính thức sau.
- Hai Bên cùng khẳng định về Hội nghị chuyên gia pháp luật Châu Á (ALES), trước đây là Diễn đàn Lập pháp Châu Á (AFOLIA) là một kênh hữu ích để chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia pháp luật Châu Á về xây dựng các chương trình cải cách pháp luật nhằm giải quyết những thách thức chung đối với các nước Châu Á trong quá trình phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp Việt Nam đã cử nhiều đoàn tham dự các kỳ Hội nghị ALES, AFOLIA vào các năm 2011, 2012 (AFOLIA), 2013, 2016, 2019, 2021, 2022, 2023 (ALES) (trong đó các năm 2011, 2012 và 2016 là đoàn cấp Thứ trưởng; đặc biệt tại ALES 9 năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Lê Thành Long đã có bài phát biểu chào mừng). Bộ trưởng LEE Wan-kyu thông tin về việc MOLEG sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức ALES 12 vào đầu tháng 11/2024 và rất mong Bộ Tư pháp Việt Nam tiếp tục tham dự để có tính tiếp nối với các kỳ ALES. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tin tưởng rằng ALES lần thứ 12 sẽ thành công tốt đẹp như các kỳ Diễn đàn trước đây và khẳng định sẽ cân nhắc cử cán bộ phù hợp tham dự ALES 12 trên cơ sở Thư mời chính thức của MOLEG.
Kết thúc buổi Hội đàm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Lee Wan-kyu đã ký “Ý định thư hợp tác (2025-2029) giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc về Dự án ODA xây dựng hệ thống thông tin pháp luật tại Việt Nam” (sau đây gọi là Ý định thư). Theo Ý định thư, Bộ Tư pháp Việt Nam và MOLEG sẽ phối hợp triển khai một số hoạt động chính như: (i) xây dựng hệ thống thông tin pháp luật ở Việt Nam thông qua các hoạt động như tổ chức các đoàn công tác cấp cao hoặc cấp chuyên viên của Bộ Tư pháp Việt Nam và các tổ chức liên quan, tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế; (ii)  nâng cao năng lực liên quan đến xây dựng Hệ thống thông tin pháp luật của Việt Nam (Hỗ trợ kỹ thuật đối với việc duy trì và quản lý hệ thống thông tin pháp luật được xây dựng thông qua Dự án ODA; Chia sẻ thông tin pháp luật, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn đã được công bố giữa các Bên; Thực hiện nghiên cứu so sánh về hệ thống thông tin pháp luật của các Bên…)
2. Thăm và làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (sáng ngày 14/6/2024)
Sáng 14/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã có Buổi làm việc với Bộ trưởng Lee Wan-Kyu cùng Đoàn công tác của Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã giới thiệu và thông tin với Bộ trưởng LEE Wan-kyu và Đoàn công tác của MOLEG về chức năng và nhiệm vụ của Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, một số hoạt động của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Đặc biệt là việc hai Bộ đang xây dựng Dự án Hỗ trợ tăng cường nâng cao năng lực thông tin pháp luật tại Việt Nam. Đây là hoạt động rất thiết thực, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong hoạt động xây dựng pháp luật, rất phù hợp với bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Khái quát về hoạt động của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thành Tùng cho biết, Ủy ban là một trong 10 cơ quan chuyên môn giúp việc cho Quốc hội. Ủy ban Pháp luật thực hiện 3 chức năng chính là thẩm tra, giám sát, kiến nghị. Lĩnh vực phụ trách chính của Ủy ban Pháp luật là pháp luật dân sự, hành chính, về tổ chức bộ máy nhà nước (trừ tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp)… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, Dự án Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam đang triển khai nếu được nhân rộng sẽ rất hữu ích cho công việc xây dựng pháp luật cũng như công tác thẩm tra của các cơ quan Quốc hội trong hoạt động lập pháp. “Chúng tôi sẵn sàng tham gia, phối hợp trong quá trình thực hiện Dự án, triển khai thử nghiệm đối với những nội dung phù hợp, có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ…”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.
Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc; xác định Hàn Quốc là đối tác quan trọng, lâu dài và là một đối tác ưu tiên hàng đầu, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Trong thời gian sắp tới, đề nghị hai bên tiếp tục duy trì, tăng cường trao đổi các Đoàn công tác các cấp, thông qua kênh Quốc hội và tăng cường giao lưu Nhân dân. Bên cạnh đó, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và MOLEG thời gian qua, đặc biệt là các hoạt động trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ ký ngày 28/6/2012 tại Hàn Quốc. Ngoài ra, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng khẳng định việc hai Bộ đang tích cực trao đổi về đề xuất Dự án xây dựng hệ thống thông tin pháp luật tại Việt Nam là hoạt động thiết thực, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp nói riêng và các cơ quan khác có liên quan trong công tác xây dựng pháp luật trong đó có Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đánh giá cao việc Bộ Tư pháp Việt Nam và MOLEG ký Ý định thư hợp tác về Dự án ODA xây dựng hệ thống thông tin pháp luật tại Việt Nam. Việc ký kết văn kiện hợp tác ngay trong chuyến thăm của Bộ trưởng LEE Wan-kyu thể hiện sự quyết tâm trong chỉ đạo và điều hành của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự chủ động của các đơn vị đầu mối của hai Bộ trong việc phối hợp xây dựng và triển khai Dự án. Theo đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Dự án sau khi được Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt, việc thực hiện tại Bộ Tư pháp cần ưu tiên vào việc cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ, Ngành Tư pháp, hỗ trợ hiệu quả và giảm thiểu áp lực về tiến độ cho người làm công tác xây dựng, thi hành và tổ chức thực hiện pháp luật từ công tác tra cứu văn bản, soạn thảo văn bản, thẩm định và kiểm tra văn bản. Trong thời gian tới, việc nhân rộng kết quả của Dự án để triển khai thực hiện tới các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức trong đó có các Ủy ban của Quốc hội nói chung và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói riêng sẽ rất hữu ích trong công tác thẩm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động lập pháp.
Đồng tình với đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng LEE Wan-kyu tái khẳng định sự hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và MOLEG hiệu quả thời gian qua. Bộ trưởng LEE Wan-kyu cũng đồng quan điểm với đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về tầm quan trọng và tính hữu dụng của việc xây dựng và triển khai thực hiện “Dự án ODA xây dựng hệ thống thông tin pháp luật tại Việt Nam” tại Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp nói riêng và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong lĩnh vực này trong đó có Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Bộ trưởng LEE Wan-kyu vui mừng khi nhận được thiện chí sẵn sàng hợp tác và phối hợp của Ủy ban pháp luật của Quốc hội trong việc triển khai và nhân rộng việc thực hiện Dự án trong thời gian tới để phục vụ công tác  thẩm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động lập pháp.
Việc đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác của MOLEG đã hoàn thành đúng chương trình, nội dung và đạt được mục đích đề ra trong Đề án đón Đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hội đàm giữa Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam với Bộ trưởng MOLEG đã thu được kết quả thiết thực, hữu ích trong việc đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và MOLEG với những định hướng và đề xuất hợp tác cụ thể trong thời gian tới. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, cuộc làm việc giữa Bộ trưởng LEE Wan-kyu và Đoàn công tác của MOLEG với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã diễn ra trong không khí cởi mở, thân tình, đúng mục đích, yêu cầu, định hướng chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội và các quy định có liên quan về hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
Chuyến thăm Việt Nam đã tạo thêm động lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và MOLEG nói riêng, hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung, góp phần củng cố và phát triển hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.
Trên cơ sở kết quả đón tiếp Đoàn Bộ trưởng Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc sang thăm và làm việc tại Việt Nam như đã báo cáo nêu trên, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao Bộ Tư pháp thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
(i) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả các văn kiện hợp tác đã ký giữa hai Bộ, cụ thể là Bản Ghi nhớ hợp tác (ký ngày 28/6/2012) và Ý định thư hợp tác (2025-2029) về Dự án ODA xây dựng hệ thống thông tin pháp luật tại Việt Nam (ký ngày 13/6/2024);
(ii) Phối hợp với phía Hàn Quốc và các cơ quan có liên quan trình phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả Dự án ODA xây dựng hệ thống thông tin pháp luật tại Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ đảm bảo đúng mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật, phổ biến pháp luật, phù hợp với quy định của pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc;
(iii) Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất của Hàn Quốc về việc thành lập cơ quan tư vấn đa phương về hợp tác pháp luật giữa các nước châu Á, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trên đây là Thông cáo báo chí về việc đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc, Bộ Tư pháp xin thông báo./.