I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC TƯ PHÁP THÁNG 5
Trong tháng 5/2024, các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực, đẩy nhanh việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự thảo VBQPPL, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với với
03 đề nghị xây dựng VBQPPL
(03 Nghị quyết của Quốc hội);
14 dự án, dự thảo VBQPPL
(12 Nghị định, 02 Quyết định).
Hoạt động thẩm định được tổ chức đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015
(sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL
(sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP); cơ bản bảo đảm đúng thời hạn.
Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát VBQPPL; pháp điển QPPL
- Về công tác kiểm tra văn bản: Trong thời gian báo cáo, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tiếp nhận để kiểm tra theo thẩm quyền
302 văn bản
(gồm 24 văn bản của cơ quan cấp bộ và 278 văn bản của chính quyền cấp tỉnh); tiếp tục đôn đốc cơ quan ban hành hoàn thành việc xử lý đối với
05 văn bản có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền
(02 văn bản của cơ quan cấp bộ, 03 văn bản của chính quyền cấp tỉnh).
- Về công tác rà soát văn bản: Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo về kết quả nghiên cứu, đánh giá và đề xuất phương án xử lý đối với các phản ánh, kiến nghị về quy định vướng mắc, bất cập tại các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành. Trên cơ sở Báo cáo số 135/BC-CP ngày 10/4/2024 của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ngày 09/5/2024, Ủy bản Pháp luật của Quốc hội đã chủ trì phiên họp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với Báo cáo số 135/BC-CP của Chính phủ. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản đối với Báo cáo số 135/BC-CP của Chính phủ và đồng ý trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7.
- Về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật: Trong thời gian báo cáo, Cục đã tham gia góp ý đối với dự thảo Danh mục văn bản QPPL dự kiến pháp điển vào: Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm; Đề mục Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Gia Lai.
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục hoàn thiện, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 22/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến hành hoạt động kiểm tra theo Kế hoạch; trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quyết định thành lập Tổ soạn thảo Đề án
“Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025 - 2030”; tổ chức các Hội thảo
“Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính” và Hội thảo
“Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2025 - 2030” tại Hà Nội.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn bản, đề án; tiếp tục tham mưu giúp việc Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch đã đề ra, như: (i) Ban hành Kế hoạch kiểm tra của Hội đồng năm 2024; tham mưu tổ chức các Đoàn kiểm tra; (ii) Tham mưu Hội đồng tổ chức Diễn đàn về triển khai Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, sự kiện được coi là điểm nhấn về hoạt động của Hội đồng trong 6 tháng đầu năm…; (iii) Tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án đã ban hành; (iv) Triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; (v) Tổ chức Tọa đàm về tình hình triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường; (vi) Tham mưu ban hành văn bản gửi tổ chức pháp chế các bộ, ngành trung ương và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn việc rà soát, báo cáo về mô hình PBGDPL hiệu quả… Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ký ban hành Báo cáo kết quả năm 2023 về thực hiện triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở và đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tổ chức buổi làm việc nắm bắt tình hình triển khai công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật, hoà giải ở cơ sở tại địa phương; tiếp tục triển khác các nhiệm vụ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như: Tổ chức Hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2024 của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024…
Công tác Thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính. Trong tháng 5/2024, Tổng cục THADS đã:
(i) Tham mưu đồng chí Mai Lương Khôi - Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm việc về chuẩn bị thi hành các vụ việc thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế phức tạp, công tác phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, công tác thẩm tra kết quả thực hiện Công văn số 693/CV-BCSĐ ngày 11/01/2024 của Ban cán sự đảng trong toàn Hệ thống;
(ii) Tham mưu Lãnh đạo Bộ làm việc với một số cơ quan THADS địa phương nhằm đôn đốc, chỉ đạo công tác.
Bên cạnh đó, Tổng cục đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành cấp Trung ương, họp tập thể Lãnh đạo Tổng cục để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các cơ quan THADS; làm việc trực tiếp với một số cơ quan THADS địa phương nhằm đôn đốc, chỉ đạo tình hình thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ, kết quả công tác thi hành án tín dụng ngân hàng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan THADS địa phương.
- Kết quả thi hành án 8 tháng năm 2024 (01/10/2023-31/5/2024)
+ Về việc: Thi hành xong
343.619 việc, tăng
19.101 việc
(tăng 5,89% so với cùng kỳ); đạt tỉ lệ 60,29%
(giảm 0,83% so với cùng kỳ). Số việc chuyển kỳ sau
447.257 việc, tăng
48.288 việc
(tăng 12,1% so với cùng kỳ).
+ Về tiền: Thi hành xong hơn
61.026 tỷ, giảm hơn
1.097 tỷ
(giảm 1,77% so với cùng kỳ); đạt tỉ lệ 21,28%
(giảm 6,57% so với cùng kỳ). Số tiền chuyển kỳ sau hơn
379.883 tỷ, tăng hơn
77.963 tỷ
(tăng 25,82% so với cùng kỳ).
- Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo (tính đến 31/03/2024):
+ Về việc: Trong tổng số
153 vụ việc, đã thi hành xong
45 vụ việc;
07 vụ việc đã xử lý xong hết tài sản, đã xác minh và phân loại chưa có điều kiện thi hành án
(theo quy định tại Điều 44a Luật THADS); đang tiếp tục tổ chức thi hành
85 vụ việc và
16 vụ việc cơ quan THADS chưa thụ lý ra quyết định thi hành án do Tòa án chưa xét xử phúc thẩm hoặc cơ quan THADS chưa nhận đủ tài liệu, bản án.
+ Về tiền: Tổng số phải giải quyết là hơn
168.497 tỷ đồng; số đã thi hành xong là hơn
85.283 tỷ đồng, còn phải thi hành là hơn
83.214 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 50,61%. Tính từ 01/10/2023 đến 31/3/2024, cơ quan THADS đã xử lý tài sản, thu hồi được số tiền
9.072 tỷ
767 triệu
757 nghìn đồng.
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đang tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch. Tiếp tục triển khai Dự án đầu tư công “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch”; tiếp tục triển khai việc thực hiện liên thông 02 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Số hoá sổ hộ tịch; tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 – 2024; tổ chức 02 Đoàn công tác khảo sát, đánh giá tỉnh hình thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP của Chính phủ tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Bình và tỉnh Đắk Lắk; đã phát hành 26 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ địa phương, đề nghị các đơn vị có liên quan xác minh, phối hợp, thông báo xử lý và trả lời kiến nghị của người dân liên quan đến lĩnh vực hộ tịch. Bên cạnh đó, Cục đã hoàn thiện các thủ tục trình Chủ tịch nước
258 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam;
01 hồ sơ trở lại quốc tịch Việt Nam; trả lời kết quả tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với
485 trường hợp làm cơ sở cho việc cấp Hộ chiếu/Giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam; tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, chứng thực tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Long An...
Công tác lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực lý lịch tư pháp và Thông tư quy định về Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh Lý lịch tư pháp; dự thảo Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia giai đoạn 2024-2026 và giai đoạn 2026-2031; dự thảo Đề án sửa đổi Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện vào sổ tiếp nhận
70.626 thông tin LLTP
(bao gồm: 21.694 bản LLTP điện tử, 4.018 thông tin LLTP bổ sung; thực hiện xử lý và tạo lập, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu 31.763 thông tin); đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp nhận và cấp
32 Phiếu LLTP
(bao gồm: 7 Phiếu LLTP số 1 và 25 Phiếu LLTP số 2).
Công tác nuôi con nuôi, Vụ Con nuôi đang tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tài liệu chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị tập huấn về phòng chống mua bán người trong lĩnh vực nuôi con nuôi; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về báo cáo tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay 1993; tiếp Đoàn công tác của Ủy ban con nuôi quốc tế I-ta-li-a (CAI) và trao đổi về tình hình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa Việt Nam và I-ta-li-a, phương hướng hợp tác trong thời gian tới; tham gia họp với Ban thường trực Hội nghị La Hay về các nội dung chuẩn bị cho khóa họp tiếp theo (từ ngày 04-06/6/2024) của Nhóm công tác về các khía cạnh tài chính trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế lần thứ ba… Bên cạnh đó, Vụ đã giải quyết
17 trường hợp con nuôi nước ngoài, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ con nuôi nước ngoài tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; đã tiếp nhận
05 đề nghị hỗ trợ tìm hiểu thông tin về nguồn gốc của trẻ em đã được giải quyết làm con nuôi nước ngoài.
Công tác bồi thường nhà nước, Cục Bồi thường nhà nước đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ký ban hành Kế hoạch kiểm tra liên ngành về công tác bồi thường nhà nước năm 2024; tiếp tục hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc pháp luật, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường đảm bảo đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của cơ quan, cá nhân, tổ chức, theo đó, Cục đã tiếp nhận 20 lượt kiến nghị của 19 trường hợp (tiếp nhận mới 14 trường hợp), đã giải quyết 13 kiến nghị của 12 trường hợp, ban hành 10 văn bản; còn 07 trường hợp đang nghiên cứu, giải quyết (tăng 06 trường hợp so với tháng trước). Tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thuế để thống nhất đề cương trước khi hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác bồi thường nhà nước; tổ chức
01 cuộc họp phối hợp liên ngành với các cơ quan có liên quan để trao đổi về vụ việc và đang nghiên cứu, đề xuất nội dung quan trọng để đưa vào họp liên ngành với các cơ quan liên quan trong thời gian tới; tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến về trách nhiệm bồi thường của nhà nước tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác bồi thường nhà nước.
Công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đang tiếp tục xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20/8/2018 và Thông tư số 06/2020/TT-BTP; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ
“rà soát, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về đăng ký biến động đất đai đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 4 Điều 198 của Luật Các tổ chức tín dụng) và các quy định khác liên quan của Luật” được giao tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 29/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Kế hoạch kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất năm 2024. Đồng thời, Cục đã phát hành
280 văn bản cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định;
134 trường hợp đề nghị cấp mới và đề nghị thay đổi thông tin về mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm cho các cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đã giải quyết 101.656 phiếu, trong đó: Phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên: 67.073 phiếu; Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự: 1.262 phiếu; Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông: 33.321 phiếu. Theo đó, tỷ lệ Phiếu trực tuyến chiếm 85% trên tổng số Phiếu đăng ký và Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự.
Công tác bổ trợ tư pháp, Cục Bộ trợ tư pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bổ trợ tư pháp, như:
(i) Tiếp tục hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư
(sửa đổi);
(ii) Tham mưu cho Chính phủ có Tờ trình số 183/TTr-CP trình Quốc hội xem xét về dự án Luật Công chứng; dự án Luật đã được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra vào ngày 8/5/2024
(dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ và Hội trường vào ngày 17/6 và ngày 24/6/2024);
(iii) Tham mưu cho Chính phủ ban hành Báo cáo số 251/BC-CP ngày 19/5/2024 gửi Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đấu giá tài sản; ngày 21/5/2024, Quốc hội đã nghe báo cáo chỉnh lý và thảo luận ở Hội trường về dự án Luật;
(iv) Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Giám định tư pháp; dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Bên cạnh đó, Cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ:
(i) Ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BTP ngày 15/5/2024 sửa đổi, bổ sung 08 thông tư liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và 08 Quyết định công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung qua đó đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp;
(ii) Ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc việc tổ chức Đại hội Đoàn luật sư nhiệm kỳ; ban hành văn bản gửi các Bộ, ngành có liên quan về việc sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 69-KL/TW và ban hành văn bản chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ trong lĩnh vực công chứng.
Công tác trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý đã tham mưu Lãnh đạo Bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng và nội dung, hình thức, việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý trên cơ sở ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản gửi Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương trong việc phối hợp giải quyết trong công tác trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, theo thống kê trên Hệ thống Quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, trong thời gian báo cáo, cả nước đã thụ lý:
1.531 vụ việc TGPL tham gia tố tụng
(trong đó 1.094 vụ việc bào chữa, 437 vụ việc bảo vệ), và có
882 vụ việc kết thúc
(trong đó 642 vụ việc bào chữa, 240 vụ việc bảo vệ). Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên. Số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công là:
236 vụ việc
(178 vụ việc bào chữa, 58 vụ việc bảo vệ).
Công tác pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế đã tham mưu Lãnh đạo Bộ phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan có liên quan trình Ban Bí thư ban hành Chị thị liên quan công tác phòng, ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo hồ sơ đề xuất đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự với Niu-Di-lân gửi các bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ cho ý kiến theo quy định của Luật Điều ước quốc tế; tham gia họp Nhóm công tác V về pháp luật phá sản tại Hoa kỳ. Bên cạnh đó, Vụ đã tiếp nhận và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài
122 hồ sơ uỷ thác tư pháp
(hồ sơ UTTP) và trả
79 kết quả thực hiện của các hồ sơ UTTP đã gửi từ những tháng trước; Tiếp nhận và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền trong nước
97 hồ sơ UTTP và trả
32 kết quả thực hiện của các hồ sơ UTTP đã gửi từ những tháng trước.
Công tác hợp tác quốc tế về pháp luật, Vụ Hợp tác quốc tế tiếp tục xây dựng Báo cáo của về tình hình thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật trong năm 2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Kế hoạch triển khai các văn bản về hợp tác quốc tế về pháp luật. Tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Bộ thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp theo quy định tại Nghị định số 26/2024/NĐ-CP ngày 01/3/2024 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp và Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, như: Đã thực hiện thẩm định, cho phép, cho ý kiến tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế và 02 dự án, phi dự án, chương trình hợp tác theo đề nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam. Bên cạnh đó, Vụ đã thực hiện thủ tục cho phép các đơn vị tổ chức một số hội nghị, hội thảo quốc tế trong khuôn khổ các chương trình, dự án do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản theo quy định của Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp; tham mưu tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác đối ngoại cho cán bộ chủ chốt của Bộ Tư pháp; Báo cáo viên tại Hội nghị gồm có đại diện của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an…
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP THÁNG 6 NĂM 2024
1. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; các Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW;
Tiếp tục chuẩn bị chu đáo, đảm bảo chất lượng tài liệu, nội dung Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng tham dự các cuộc họp của Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (Đợt 2, từ ngày 17/6 đến ngày 28/6/2024)…
2. Tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Tập trung nguồn lực xây dựng các đề án, văn bản giao Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp Văn phòng Chính phủ hoàn thiện các đề án, văn bản đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được ban hành; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, trình Bộ trưởng ký ban hành đối với các văn bản, đề án thuộc thẩm quyền đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời, thực hiện nghiêm, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao.
3. Chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.
4. Quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2024; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan THADS đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
5. Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, sửa đổi các VBQPPL để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại tại Đề án số 06, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo của Bộ Tư pháp năm 2024. Tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tổng kết thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế để đề xuất thực hiện trên toàn quốc. Ban hành Kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 về quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất
6. Ban hành Kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả Chị thị Ban Bí thư liên quan công tác phòng, ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Tích cực, chủ động tham mưu, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chủ trì, tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; triển khai xây dựng hồ sơ dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sau khi được Quốc hội thông qua; chuẩn bị nội dung và tổ chức đoàn tham gia phiên họp của Uỷ ban đặc biệt về thực thi Công ước Tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ tại La Hay, Hà Lan vào tháng 7/2024; nghiên cứu, đề xuất, thúc đẩy các dự án mới của EU JULE; đón Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc thăm và làm việc tại Việt Nam trong các ngày từ 12-14/6/2024.
7. Tiếp tục tham mưu thực hiện sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ. Thực hiện công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác các công chức, viên chức, người lao động theo yêu cầu và quy định; Phối hợp với Học viện Tư pháp và các đơn vị có liên quan thực hiện đầy đủ, chất lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024.
8. Tổ chức thực hiện kiểm tra ngân sách, tài sản một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tư pháp theo kế hoạch; Hoàn thành hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch - tài chính ngân sách giai đoạn 2025-2027; tiếp tục thực hiện Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về việc Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các dự án đầu tư của Bộ Tư pháp; Tiếp tục rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đối với các cơ sở nhà, đất thuộc Bộ Tư pháp quản lý, báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Tiếp tục thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành kế hoạch vốn năm 2024. Tiếp tục hoàn thiện Quy chế xây dựng Kế hoạch của Bộ Tư pháp; dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 10/2017/TTBTP ngày 26/12/2023 quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tư pháp; Kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam năm 2024.
9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật. Thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng.
10. Chuẩn bị tốt nội dung và công tác tổ chức sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024.
Trên đây là Thông cáo báo chí về kết quả công tác tư pháp tháng 5/2024 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp tháng 6/2024. Bộ Tư pháp xin thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí./.
Toàn văn Thông cáo báo chí có tại bản đính kèm: file:///D:/(Thanh%20toán)%20THÔNG%20CÁO%20BÁO%20CHÍ/THÁNG%205/TCBC%20T5.pdf