Trong Luật Thủ đô 2024, có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội để thực hiện mục tiêu về phát triển khoa học, công nghệ.
Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển Thủ đô
Trong Luật Thủ đô 2024, các quy định đặc thù, nổi trội để thực hiện mục tiêu về phát triển khoa học, công nghệ; trong đó, xác định các lĩnh vực khoa học, công nghệ trọng điểm và chính sách ưu đãi. Cụ thể, Luật Thủ đô 2024 xác định các lĩnh vực khoa học, công nghệ trọng điểm của Thủ đô (khoản 1 Điều 23) và áp dụng các ưu đãi nhằm thu hút, phát huy tối đa tiềm lực của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức khoa học, công nghệ tham gia chủ trì, thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm (khoản 2 Điều 23), thu hút nhân tài là công dân Việt Nam, người nước ngoài vào các hoạt động khoa học, công nghệ nói chung (khoản 1 Điều 16).
Áp dụng các ưu đãi về thuế thu nhập đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực trọng điểm (điểm a, b khoản 3 Điều 43). Các ưu đãi đầu tư cho các dự án sử dụng hoặc phát triển công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo (điểm đ, e Khoản 1 Điều 43), đặc biệt là ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược cho các dự án, ngành nghề, lĩnh vực khoa học, công nghệ (điểm b, c khoản 1 Điều 42).
Cùng với đó, quy định biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế quản lý khoa học: áp dụng phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp đối với nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm của Thủ đô, dự án thử nghiệm cấp TP; áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học, công nghệ; cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ cho doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đáp ứng đủ điều kiện về năng lực ứng dụng, phát triển kết quả, sản phẩm để phục vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách TP cho doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ để hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô, qua đó thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ của Thủ đô (khoản 3 Điều 23)
Cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học công nghệ công lập khác trên địa bàn TP được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở, tổ chức đó. Cho phép viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học công nghệ công lập khác trên địa bàn TP được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở tổ chức (khoản 4 Điều 23).
Đây là quy định mang tính đột phá trong Luật Thủ đô 2024. Quy định này nhằm thể chế hoá Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, khuyến khích các nhà khoa học, người làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học công nghệ tại Hà Nội tích cực đổi mới sáng tạo, phát huy kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo hướng thiết thực, tham gia vào quá trình thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cho chính các trường, viện để tái đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo và giá trị kinh tế chung cho toàn xã hội.
Áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Bên cạnh đó, cho phép TP Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát: TP Hà Nội được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp với đặc điểm, tính năng mới của công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh để thúc đẩy Thủ đô đi đầu, tiên phong trong đổi mới sáng tạo (Điều 25).
Các nội dung cốt lõi, quan trọng nhất của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát gồm: tổ chức, doanh nghiệp được cho phép thử nghiệm có kiểm soát phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện đầy đủ các trách nhiệm, nghĩa vụ do luật định. Cụ thể: các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có tính đổi mới sáng tạo có phạm vi ứng dụng, triển khai trên địa bàn TP Hà Nội, ưu tiên đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh triển khai trong phạm vi khu công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo của TP (điểm a khoản 3 Điều 25).
Các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô; không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, biến đổi, chỉnh sửa gen người; không xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (điểm b khoản 3 Điều 25).
Tổ chức, doanh nghiệp đề xuất thử nghiệm phải có phương án thử nghiệm; cam kết trách nhiệm đối với sự an toàn của người dùng và bên có liên quan; các biện pháp kiểm soát rủi ro; cơ chế giải quyết khiếu nại của người dùng; phạm vi và các biện pháp bồi thường thiệt hại; đồng thời phải cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh năng lực phù hợp với phương án thử nghiệm đã đề xuất (điểm c khoản 3 Điều 25).
Phạm vi giới hạn thử nghiệm được đề xuất phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền TP (điểm d khoản 3 Điều 25). Luật cũng quy định rõ thời hạn thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 03 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm (khoản 1 Điều 25).
Luật quy định các nguyên tắc cho phép và thực hiện thử nghiệm có kiểm soát (khoản 4 Điều 25); các nội dung bắt buộc phải có trong Quy chế thử nghiệm riêng cho từng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh do UBND TP quy định (khoản 8 Điều 25); quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan hướng dẫn, kiểm soát quá trình thử nghiệm (khoản 7 Điều 25); trách nhiệm và các trường hợp được miễn hoặc loại trừ trách nhiệm pháp lý của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện thử nghiệm cũng như của cơ quan và cán bộ, công chức trực tiếp hướng dẫn, kiểm soát thử nghiệm (điểm d khoản 4 Điều 25).
Luật cũng quy định chi tiết quyền hạn và trách nhiệm của HĐND TP trong việc ban hành thể chế để cụ thể hoá về tiêu chí, điều kiện lựa chọn và trình tự, thủ tục cho phép, điều chỉnh, gia hạn và chấm dứt việc thử nghiệm có kiểm soát (khoản 9 Điều 25); trách nhiệm, quyền hạn của UBND TP trong việc cho phép, tổ chức hướng dẫn và kiểm soát quá trình thử nghiệm (khoản 6 Điều 25). Một quy định đặc thù, vượt trội của Luật là cho phép HĐND TP quyết định phạm vi miễn áp dụng các quy định của pháp luật đối với từng dự án thử nghiệm cụ thể phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm theo đề nghị của UBND TP trên cơ sở đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát (khoản 5 Điều 25).
Luật quy định trách nhiệm của Chính phủ, trên cơ sở báo cáo của UBND TP, tổ chức xem xét, đánh giá kết quả, hiệu quả các nội dung thử nghiệm có kiểm soát để quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định ban hành mới, sửa đổi, bổ sung pháp luật về lĩnh vực, nội dung có liên quan làm cơ sở cho việc áp dụng chính thức công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã được thử nghiệm (khoản 10 Điều 25).
Ngoài ra, TP Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước: Quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ, đổi mới sáng tạo và thương mại hoá sản phẩm khoa học, công nghệ.
Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách TP, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn (khoản 1 Điều 36).
Luật quy định UBND TP xây dựng đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm trình HĐND TP phê duyệt, trong đó xác định rõ hình thức tổ chức hoạt động của Quỹ; thời gian hoạt động của Quỹ; mức hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách TP; phương thức đầu tư, đối tượng hợp tác, nhận vốn đầu tư; cơ chế đánh giá, kiểm soát rủi ro, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, vận hành Quỹ đầu tư mạo hiểm của TP (khoản 2 Điều 36).
HĐND TP phê duyệt đề án, quy định cơ chế tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện. UBND TP quyết định thành lập Quỹ, ban hành điều lệ, quy chế đầu tư của Quỹ đầu tư mạo hiểm (khoản 3 Điều 36).
Tăng cường vị thế cạnh tranh và dẫn dắt xu hướng phát triển khu vực
Hà Nội là nơi hội tụ hơn 70% các tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, và viện nghiên cứu của cả nước, cùng với hơn 80% phòng thí nghiệm và nhiều chuyên gia đầu ngành. Đây cũng là điểm kết nối giữa các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, lợi thế này chưa được khai thác hết tiềm năng.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ, Luật Thủ đô 2024 đã đưa ra những giải pháp đặc thù nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Một trong những điểm đột phá là Điều 25, cho phép thử nghiệm công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh mới dưới sự kiểm soát đặc biệt từ các cơ quan nhà nước. Đây là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, giúp các doanh nghiệp, tổ chức có thể triển khai ý tưởng sáng tạo trong thời gian tối đa 3 năm và gia hạn thêm một lần không quá 3 năm.
Ngoài ra, luật cũng quy định các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm mà Hà Nội sẽ tập trung phát triển, bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa, và các giải pháp công nghệ môi trường nhằm giảm phát thải carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu. Những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này sẽ nhận được hỗ trợ về máy móc, thiết bị, và ưu đãi tài chính từ ngân sách TP, tương tự như các doanh nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, luật còn tạo cơ hội cho các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức khoa học công lập được thành lập hoặc tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình. Điều này giúp kết nối giữa nghiên cứu và thực tiễn, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học vào đời sống và phát triển kinh tế.
Luật Thủ đô 2024 không chỉ hướng tới việc phát triển khoa học công nghệ mà còn truyền cảm hứng cho khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ được hỗ trợ chi phí ươm tạo, tuyển chọn dự án, và thuê chuyên gia. Điều này không chỉ khuyến khích doanh nghiệp trong nước mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến với Hà Nội.
Khi Hà Nội đi đầu trong đổi mới sáng tạo, TP sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các quỹ đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp công nghệ. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, đề ra phương hướng phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Việc tiên phong trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ giúp Thủ đô tăng cường vị thế cạnh tranh và dẫn dắt xu hướng phát triển khu vực.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam cho hay, Luật Thủ đô 2024 có rất nhiều nội dung quan trọng, đặc thù. Đặc biệt là những chính sách về phát triển khoa học công nghệ. Để phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học công nghệ, Luật ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực; có nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho khoa học công nghệ phát triển.
Cụ thể, các tổ chức khoa học công nghệ được nhận hỗ trợ từ ngân sách TP để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ. Thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được nhận chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách TP.
Doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ hoạt động trên địa bàn TP được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách TP để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô.
“Luật Thủ đô 2024 đã có các cơ chế ưu đãi để các tổ chức khoa học công nghệ, đặc biệt để đội ngũ trí thức của Thủ đô có điều kiện phát triển, cống hiến cho Thủ đô và cho đất nước. Do đó, việc thông qua Luật sửa đổi có ý nghĩa rất lớn” - đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Báo Kinh tế & Đô thị