Nỗ lực đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống

04/09/2024
Nỗ lực đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 gồm 7 chương, 54 điều, với hàng loạt chính sách, cơ chế đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội đang vào cuộc đồng bộ, rà soát, xác định nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao để Luật sớm đi vào cuộc sống, từ đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng 'văn hiến - văn minh - hiện đại'.
Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành
Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước. Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và được ví như trái tim của cả nước, nơi mọi mặt cuộc sống quan trọng hội tụ và lan tỏa ra toàn quốc. Việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng, mong mỏi về sự thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô phát triển xứng tầm trong tương lai. Do đó, nhằm hoàn thiện “bệ phóng” thể chế để Thủ đô tăng tốc phát triển, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống.
Ngay sau khi Luật được công bố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, Sở Tư pháp Hà Nội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô (sửa đổi); kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Thủ đô (sửa đổi), phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng; hoàn thành trước ngày 1/9/2024. Đặc biệt, UBND Thành phố phát động phong trào thi đua thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và Sở Nội vụ Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, tham mưu đề xuất khen thưởng, tôn vinh kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Định kỳ ngày 25 hàng tháng, cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin về tình hình, tiến độ soạn thảo văn bản quy định Luật Thủ đô (sửa đổi) để tổng hợp, báo cáo tập thể UBND Thành phố tại phiên họp thường kỳ hàng tháng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô (sửa đổi). Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản để xảy ra tình trạng chậm ban hành hoặc ban hành văn bản không bảo đảm chất lượng. Yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm nguồn lực triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) đúng tiến độ và chất lượng.
Ngày 7/8, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi), yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát các Nghị quyết, quyết định quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND các cấp của Thành phố ban hành; thời gian thực hiện trong tháng 8 và tháng 9/2024... Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã liên tục làm việc với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố, nhằm quán triệt yêu cầu, chỉ đạo sát sao tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, cũng như lắng nghe các đơn vị báo cáo tình hình thực tiễn, vướng mắc, khó khăn.
Chủ động vào cuộc đồng bộ, hiệu quả
Là cơ quan “chủ lực” trong xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), Sở Tư pháp đang tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Công Anh đã chủ trì cuộc họp xây dựng Nghị quyết quy định chi tiết khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô (sửa đổi). Sở cũng rà soát, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để xây dựng tài liệu tuyên truyền; xây dựng các văn bản theo chỉ đạo; góp ý, thẩm định các văn bản được gửi xin ý kiến... Trong khi đó, Sở Nội vụ cũng triển khai rất sớm kế hoạch thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết đã thành lập 3 Tổ biên tập để xây dựng văn bản thi hành Luật theo các nhóm lĩnh vực gồm: Tổ biên tập lĩnh vực Tổ chức bộ máy; Tổ biên tập lĩnh vực biên chế và Tổ biên tập lĩnh vực chế độ chính sách, thi đua khen thưởng. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam cũng cho biết đã thành lập Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), triển khai 6 nội dung quy định chi tiết, thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố do Sở chủ trì.
Được phân công chủ trì 5 nội dung (trong đó, 2 nội dung cần ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố; 2 nội dung thuộc chương trình, đề án, danh mục và văn bản cá biệt thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố và 1 nội dung về chương trình, đề án, danh mục và văn bản cá biệt thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố), Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh chia sẻ, Sở đã ban hành kế hoạch về việc triển khai xây dựng các văn bản, đề án và các nội dung khác có liên quan; Đồng thời, tổ chức quán triệt tới toàn thể lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị, toàn thể công chức, viên chức để triển khai thực hiện. Còn theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Luyện Văn Phương, Sở được giao chủ trì thực hiện 9 nhiệm vụ, gồm: 5 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố; 4 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố; 3 nhiệm vụ xây dựng Chương trình, Đề án, Danh mục, văn bản cá biệt. Căn cứ vào thực tế và tính chất, đặc thù của từng nhiệm vụ tại các điều khoản cụ thể của Luật Thủ đô (sửa đổi), Sở đã kiến nghị UBND Thành phố sớm phê duyệt danh mục VBQPPL lĩnh vực xây dựng, nhà ở để triển khai thi hành.
Chỉ đạo tại các cuộc làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển. Đề nghị các đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phải chủ động, khẩn trương triển khai để sớm đưa Luật vào cuộc sống một cách hiệu quả, với những sản phẩm cụ thể, thiết thực. Trong quá trình thực hiện cần có sự ưu tiên những việc cấp bách trước, nội dung nào làm sớm được thì thực hiện luôn, nội dung nào cần nghiên cứu kỹ sâu hơn có thể lùi lại... Đối với các nội dung phối hợp, phải xác định rõ đơn vị chủ trì; đồng thời, quy trình xây dựng văn bản phải chặt chẽ.