Từ ngày 01/01/2025, cá nhân thuộc các trường hợp sau đây sẽ không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá.
1. Tiêu chuẩn trở thành đấu giá viên từ 01/01/2025
Theo Điều 10 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi 2024), đấu giá viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
(i) Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;
(ii) Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng;
(iii) Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá quy định tại Điều 11 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi 2024), cụ thể:
Người đủ tiêu chuẩn quy định tại (i) và (ii) được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá. Trong đó, thời gian khóa đào tạo nghề đấu giá là 06 tháng. Người hoàn thành khóa đào tạo nghề đấu giá được cơ sở đào tạo nghề đấu giá cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề đấu giá.
(iv) Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.
2. Các trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá từ 01/01/2025
Cụ thể, các trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá từ 01/01/2025 bao gồm:
- Không đủ tiêu chuẩn quy định tại mục 1.
- Đang là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, trừ trường hợp là công chức, viên chức được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá để làm việc cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.
- Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội về tham nhũng kể cả trường hợp đã được xóa án tích.
- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(Điều 15 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi 2024)
3. Quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên từ 01/01/2025
Tại Điều 19 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi 2024) đã quy định về các quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên từ 01/01/2025 như sau:
- Về quyền:
+ Hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam;
+ Trực tiếp điều hành phiên đấu giá; xử lý các tình huống phát sinh tại phiên đấu giá bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Điều 6 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi 2024);
+ Truất quyền tham dự phiên đấu giá của người tham gia đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi 2024);
+ Dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự tại phiên đấu giá và thông báo cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.
+ Điều hành phiên đấu giá theo hợp đồng giữa Hội đồng đấu giá tài sản với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản nơi đấu giá viên hành nghề trong trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng thực hiện hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức tự đấu giá;
+ Hướng dẫn, giám sát việc tập sự của người tập sự hành nghề đấu giá;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Về nghĩa vụ:
+ Tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi 2024);
+ Tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tổ chức hành nghề đấu giá tài sản về phiên đấu giá do mình thực hiện;
+ Chịu trách nhiệm về các công việc do người tập sự hành nghề đấu giá mà mình hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi 2024);
+ Tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định tại Điều 20 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi 2024);
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.