Đề xuất Công chứng viên được chứng thực chữ ký người dịch

18/03/2024
Đề xuất Công chứng viên được chứng thực chữ ký người dịch
Đây là điểm mới nhận được nhiều sự quan tâm tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân vì có thêm lựa chọn khi có nhu cầu chứng nhận bản dịch, đồng thời góp phần giảm tải công việc cho các Phòng Tư pháp cấp huyện đang thực hiện nhiệm vụ này.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đó là việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng. Thay vào đó, dự thảo Luật đã giao cho Công chứng viên thực hiện chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, cùng với việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cá nhân theo quy định của Luật Công chứng hiện hành, Công chứng viên sẽ có thẩm quyền thực hiện thêm 01 loại việc chứng thực là chứng thực chữ ký người dịch.
Trao đổi về nội dung này, ThS Đào Duy An, Công chứng viên Văn phòng công chứng Dào Duy An, TP.Hà Nội cho rằng việc công chứng bản dịch theo Luật Công chứng hiện hành đã bộc lộ một số bất cập do Chấp hành viên khó kiểm soát được hết các nội dung bản dịch vì không thể biết hết các ngôn ngữ nước ngoài.
“Đặc biệt, việc chứng minh tính hợp pháp của bản dịch là rất khó, Công chứng viên cần rất nhiều căn cứ để làm điều này. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phân biệt giữa tính hợp pháp với không trái pháp luật. Do đó, việc bỏ quy định công chứng bản dịch là phù hợp thực tiễn hành nghề công chứng hiện nay, từ đó đảm bảo tính khả thi, giảm tải áp lực cho Công chứng viên”, ông An nói.
Về quyền, nghĩa vụ của công chứng viên, tại Điều 16 dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm làm rõ và nâng cao trách nhiệm của Công chứng viên, trong đó có nghĩa vụ phải “gia nhập Hội Công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó”.
Đối với vấn đề này, hầu hết các ý kiến đều cho rằng quy định như dự thảo là hoàn toàn phù hợp bởi hiện nay cả nước đã có 63/63 địa phương thành lập được Hội công chứng viên đồng thời cũng phù hợp với nghĩa vụ bắt buộc tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp là nguyên tắc được thừa nhận ở các nước theo công chứng Latinh.
Mặt khác, với đặc thù là chức danh tư pháp, do vậy ngoài đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ thì Công chứng viên cần tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp, cần một tổ chức nghề nghiệp quản lý và kiểm soát để đảm bảo chất lượng hành nghề, quản lý hồ sơ, dữ liệu công chứng đồng thời cũng góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cả công chứng viên và người dân.
Ngoài ra, một trong những nhóm vấn đề bất cập được nhận diện là Luật công chứng hiện hành chưa quy định hành lang pháp lý cho hoạt động công chứng điện tử và chuyển đổi số hoạt động công chứng nên chưa có cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động này. Vì vậy, dự thảo Luật đã bổ sung 04 điều hoàn toàn mới để quy định một số vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử. Trên cơ sở này, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế.
Theo đó, công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy; quy định 02 quy trình gồm công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.
Theo đánh giá của ThS Đào Duy An, dự thảo Luật quy định về công chứng điện tử tương đối sát với các đặc điểm của công chứng điện tử trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc, điều kiện theo yêu cầu pháp luật của Việt Nam. Dự thảo đã thể hiện được đầy đủ các đặc điểm của hoạt động công chứng điện tử bao gồm việc công chứng viên sử dụng chữ ký số chứng nhận các giao dịch dân sự được thể hiện bằng văn bản điện tử và tuân thủ theo quy dịnh của Luật Công chứng,
Để đảm bảo phát huy giá trị và lợi ích của công chứng điện tử, từ kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia đã triển khai công chứng điện tử, ông An cho rằng hoạt động này cần được thực hiện trên một nền tảng thống nhất gắn với một cơ sở dữ liệu công chứng tập trung có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức nghề nghiệp.