Đây là nội dung được quy định tại Luật Công chứng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
Phải xuất trình thẻ công chứng viên
Kế thừa quy định pháp luật hiện hành, Luật Công chứng (sửa đổi) tiếp tục quy định về thẻ công chứng viên, tuy nhiên có điều chỉnh một số nội dung.
Cụ thể, Luật Công chứng 2014 quy định thẻ công chứng viên là căn cứ chứng minh tư cách hành nghề công chứng của công chứng viên. Công chứng viên phải mang theo thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng.
Tuy nhiên, theo Điều 38 Luật Công chứng (sửa đổi), công chứng viên phải xuất trình thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng.
Đồng thời, luật cũng quy định Sở Tư pháp cấp thẻ cho công chứng viên của Phòng công chứng sau khi có quyết định thành lập Phòng công chứng hoặc khi Phòng công chứng bổ sung công chứng viên.
Sở Tư pháp cấp thẻ cho công chứng viên của Văn phòng công chứng khi cấp giấy đăng ký hoạt động, cấp lại hoặc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng đối với trường hợp Văn phòng công chứng bổ sung công chứng viên.
Về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng, quy định tại Điều 38 và Điều 21 của dự luật không logic, đề nghị rà soát, chỉnh lý cho thống nhất.
Cụ thể, khoản 1 và khoản 2 Điều 38 quy định: Công chứng viên phải xuất trình thẻ công chứng viên khi hành nghề công chứng. Sở Tư pháp cấp thẻ công chứng viên cho công chứng viên của Phòng công chứng sau khi có quyết định thành lập Phòng công chứng hoặc khi Phòng công chứng bổ sung công chứng viên; tuy nhiên khoản 2 Điều 21 lại quy định công chứng viên của Phòng công chứng được hành nghề kể từ khi có quyết định thành lập Phòng công chứng hoặc khi Phòng công chứng bổ sung công chứng viên.
Giải trình vấn đề này, UBTVQH cho rằng, quy định kể từ khi có quyết định thành lập Phòng công chứng hoặc khi Phòng công chứng bổ sung công chứng viên thì công chứng viên mới được hành nghề nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu công chứng viên không hành nghề độc lập với tư cách cá nhân mà phải hành nghề trong tổ chức hành nghề công chứng; việc xuất trình thẻ khi hành nghề nhằm kiểm soát chặt chẽ, minh bạch thủ tục công chứng nhưng không phải là điều kiện hành nghề, nếu vi phạm thì xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, các quy định này là logic, không có mâu thuẫn, xung đột.
Lý do cấm quảng cáo về công chứng viên
Điều 9 Luật Công chứng (sửa đổi) quy định về các hành vi nghiêm cấm đối với công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng.
Theo đó, tiếp tục quy định việc nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng Quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng.
Có ý kiến cho rằng, quy định cấm tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình là không phù hợp với Điều 7 của Luật Quảng cáo; hơn nữa, hoạt động quảng cáo là cần thiết vì góp phần giúp mọi người hiểu biết về hoạt động công chứng và Tổ chức hành nghề công chứng.
Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, công chứng là nghề bổ trợ tư pháp, là loại hình dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm cho công chứng viên thực hiện để bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội.
Do đó, việc quảng cáo về dịch vụ này như đối với các sản phẩm, dịch vụ thông thường là không phù hợp, công chứng viên và Tổ chức hành nghề công chứng phải tự xây dựng giá trị và “sức hút” của mình bằng uy tín nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp.
Mặt khác, Luật chỉ cấm quảng cáo về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nghĩa là không được quảng cáo trên các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và Trang/Cổng thông tin điện tử.
"Hiện nay, các thông tin cần thiết về công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng vẫn thường xuyên được Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp cập nhật, công bố để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tra cứu, tìm hiểu", theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.