Đề xuất tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

08/11/2024
Đề xuất tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Để triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 02 Thông tư, đó là: Thông tư số 07/2014/TT-BKHĐT ngày 24/11/2014 hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư và Thông tư số 12/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập Hội đồng giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Tuy nhiên, qua hơn 07 năm triển khai thực hiện, các quy định của 02 Thông tư nêu trên đã bộc lộ một số vướng mắc nhất định như: Chưa rõ về trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp; chưa rõ trình tự, thủ tục cử giám định viên tư pháp; chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; chưa quy định rõ về lưu trữ hồ sơ; trách nhiệm của các đơn vị trong việc lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp; chưa rõ về trách nhiệm của các đơn vị trong công tác giám định tư pháp.
Mặt khác, ngày 10/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; trong đó đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới so với quy định tại Luật Giám định tư pháp năm 2012: (1) sửa đổi về thời hạn giám định tư pháp; (2) bổ sung quy định việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư; (3) bổ sung thêm trường hợp bị miễn nhiệm giám định viên tư pháp; (4) quy định cụ thể hơn về quyền từ chối giám định của giám định viên tư pháp; (5) quy định, chi tiết nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; (6) bổ sung quy định thời hạn giám định trong trường hợp trưng cầu giám định;....). 
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện rà soát, sửa đổi Thông tư số 07/2014/TT-BKHĐT ngày 24/11/2014 và Thông tư số 12/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 bảo đảm phù hợp với quy định mới và giải quyết những khó khăn, phát sinh trong quá trình triển khai 02 Thông tư nêu trên.
Dự thảo Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; lập, công bố và đăng tải danh sách giám định viên tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn, quy trình thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp; hồ sơ, kết luận giám định tư pháp; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và các nội dung khác liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 89/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp
Theo dự thảo, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam được lựa chọn, xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp, bao gồm:
1. Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
2. Có trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục của nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam;
3. Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, phù hợp với lĩnh vực giám định tư pháp.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp
Hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp và 02 ảnh chân dung cỡ 2cm x 3cm của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BTP quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
Trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau:
Vụ Pháp chế gửi văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định;
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định, lập 01 bộ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định gửi Vụ Tổ chức cán bộ;
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định và đáp ứng tiêu chuẩn quy định, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế xem xét hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp. Trường hợp từ chối không bổ nhiệm, Vụ Tổ chức cán bộ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, đơn vị đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp;
Trên cơ sở quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ lập danh sách giám định viên tư pháp và gửi Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào danh sách chung theo quy định.