Tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

15/05/2015
Ngày 14/5/2015, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị số 47/2015/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Nghị định, đối tượng thanh tra bao gồm: cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cơ quan tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tha gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: Cơ quan thanh tra Nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Cơ quan thanh tra Nhà nước

Cơ quan thanh tra Nhà nước gồm: Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi là Thanh tra Bộ); Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là Thanh tra Sở).

Các cơ quan này sẽ thực hiện nhiệm vụ hoạt động thanh tra hành chính, cụ thể là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý

Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Tổng cục Thủy lợi; Tổng cục Lâm nghiệp; Tổng cục Thủy sản; Cục Thú y; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Trồng trọt; Cục Chăn nuôi; Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Kiểm lâm; Chi cục Thủy sản; Chi cục Thủy lợi; Chi cục Phát triển nông thôn; Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành  kể trên sẽ thực hiện nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực: Thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; lâm nghiệp; thủy sản; trồng trọt; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chăn nuôi; thú y; quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối; quản lý đầu tư, xây dựng; kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn.

Điều kiện của thanh tra viên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thanh tra viên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là công chức của Thanh tra Bộ, thanh tra Sở được bố nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Sở

Thanh tra viên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được hưởng các quyền lợi của cán bộ, công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức; được hưởng lương, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra và các chế độ, chính sách đặc thù khác theo quy định của pháp luật; được cấp trang phục thanh tra, thẻ thanh tra, phù hiệu, biển hiệu.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 6 năm 2015 và thay thế Nghị định số 153/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định số 107/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Thủy sản./.