Thông tư quy định về kết nối viễn thông

06/04/2015
Ngày 24 tháng 3 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 07/2015/TT-BTTTT quy định về kết nối viễn thông.

Thông tư quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng kết nối, giá cước kết nối, đàm phán, ký kết,  thực hiện thỏa thuận kết nối, chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối và giải quyết tranh chấp trong kết nối viễn thông.

Nội dung tranh chấp trong kết nối viễn thông

Tranh chấp trong kết nối viễn thông bao gồm: Tranh chấp về Thoả thuận kết nối; Tranh chấp về cung cấp dung lượng kết nối; Tranh chấp về chia sẻ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối; Các tranh chấp khác khi thực hiện kết nối viễn thông.

Thủ tục giải quyết tranh chấp

Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp tối thiểu phải bao gồm:

1. Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp có dấu và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp viễn thông theo mẫu tại phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Các chứng cứ, tài liệu liên quan (nếu có).

Cục Viễn thông có trách nhiệm xem xét, thu thập thông tin, chứng cứ có liên quan. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ theo yêu cầu của Cục Viễn thông.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Viễn thông có trách nhiệm tổ chức hiệp thương giữa các bên có liên quan. Kết quả hiệp thương được lập thành biên bản có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của các bên tham gia hiệp thương và Cục Viễn thông.

Nếu thông qua hiệp thương các bên có liên quan thống nhất được các nội dung tranh chấp thì các bên thực hiện theo thỏa thuận đã thống nhất. Trong trường hợp các bên có liên quan không thống nhất được các nội dung tranh chấp thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản hiệp thương, Cục Viễn thông ra quyết định giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Cục Viễn thông có thể xem xét, quyết định yêu cầu các bên bảo đảm việc kết nối đúng theo hiện trạng trước khi phát sinh tranh chấp hoặc đưa ra một giải pháp khác để bảo đảm kết nối, trong trường hợp:

1. Bảo đảm lợi ích công cộng hoặc sự toàn vẹn của mạng lưới viễn thông

2. Việc tranh chấp gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp viễn thông khác;

3. Để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, bảo đảm khả năng truy nhập của người sử dụng dịch vụ viễn thông đến các số liên lạc khẩn cấp;

4. Để bảo đảm hoạt động viễn thông công ích;

5. Các trường hợp khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các bên tranh chấp có nghĩa vụ thi hành ngay quyết định giải quyết tranh chấp của Cục Viễn thông, kể cả trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp và có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp viễn thông yêu cầu giải quyết tranh chấp có trách nhiệm gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính 01 bộ hồ sơ về Cục Viễn thông. 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2015 và thay thế Quyết định số 547/1998/QĐ-TCBĐ ngày 03/9/1998 của Tổng cục Bưu điện về việc ban hành quy định tạm thời việc kết nối các mạng viễn thông công cộng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và Quyết định số 12/2006/QĐ-BBCVT ngày 26/4/2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành Quy định về thực hiện kết nối giữa các mạng viễn thông công cộng.

Hải Nam