Hướng dẫn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng

20/12/2014
Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 169/2014/TT-BQP ngày 11 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.

Theo đó, nguyên tắc theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các nội dung sau: Phản ánh chính xác về nội dung, tính chất và tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị; Xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm; Kết hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật về ngành, lĩnh vực với việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở phạm vi từng cơ quan, đơn vị; Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan, đơn vị có liên quan.

Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ, trên cơ sở xem xét, đánh giá các nội dung sau: Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật như: Tính kịp thời, sự đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết; tính thống nhất, đồng bộ của văn bản; tính khả thi của văn bản; Tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật: Tính kịp thời, đầy đủ, sự phù hợp, hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật; sự phù hợp của tổ chức bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật; mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật; Tình hình tuân thủ pháp luật: Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; tính chính xác, sự thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thông qua các hình thức như: Gửi văn bản hoặc thông qua Cổng Thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng phản ánh ý kiến về tình hình thi hành pháp luật, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng đến các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng; Cử đại diện tham gia các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo đề nghị của Bộ Quốc phòng.

Cá nhân tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật bằng các hình thức trực tiếp đến Phòng tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị; gửi ý kiến bằng văn bản hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phản ánh, cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật.

Cơ sở đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng như sau: Trên cơ sở kết quả rà soát luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành việc xác định nội dung văn bản được quy định chi tiết giao Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền. Lập Danh mục văn bản quy định chi tiết, gồm: Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, thông tư liên tịch do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền. Danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi Bộ Tư pháp trong thời hạn chậm nhất là 15 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành văn bản được quy định chi tiết. Danh mục văn bản quy định chi tiết nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành văn bản được quy định chi tiết; Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch, phân công cơ quan, đơn vị chủ trì, cơ quan, đơn vị phối hợp soạn thảo văn bản quy định chi tiết trong thời hạn chậm nhất là 15 ngày làm việc, kể từ ngày Danh mục văn bản quy định chi tiết được ban hành;

Việc xem xét, đánh giá về tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng phải phù hợp với các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của cơ quan nhà nước cùng cấp có thẩm quyền; Phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, xem xét, đánh giá nội dung văn bản, cụ thể: Xác định văn bản còn hiệu lực, văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Xác định các văn bản thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản là căn cứ ban hành văn bản quy định chi tiết; xác định các văn bản khác mới được ban hành có quy định liên quan đến quy định của văn bản quy định chi tiết; Xem xét sự phù hợp về thẩm quyền ban hành văn bản bao gồm thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung; Xác định những nội dung của văn bản có quy định trái, chồng chéo, mâu thuẫn với quy định của văn bản quy phạm pháp luật cấp trên và văn bản quy phạm pháp luật của Bộ chuyên ngành…

Thông tư quy định, cơ sở đánh giá tính khả thi của văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng như sau: Sự phù hợp của các quy định với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, lao động hợp đồng trong cơ quan, đơn vị; với truyền thống văn hóa và phong tục tập quán ở địa phương nơi đóng quân; Sự phù hợp của quy định với điều kiện thực tế, với đặc điểm nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị; nguồn nhân lực; nguồn tài chính để thi hành; Sự hợp lý của các biện pháp giải quyết vấn đề và chế tài xử lý; Sự rõ ràng của các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị và trình tự, thủ tục thực hiện phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; Sự rõ ràng, cụ thể của các quy định để hiểu thống nhất, thực hiện đúng, thuận tiện khi áp dụng. Căn cứ quy định trên, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phát hiện văn bản quy định chi tiết có nội dung không bảo đảm tính khả thi hoặc có khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, đánh giá nguyên nhân, kiến nghị hình thức xử lý, gửi về Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng để tổng hợp.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định việc xem xét, đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, đơn vị và cá nhân như sau:

Đối với tính kịp thời, đầy đủ thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền: Phát hiện, lập danh mục các quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật chưa được cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền thi hành kịp thời, đầy đủ, hướng dẫn chưa chính xác hoặc thiếu thống nhất; Số lượng các quyết định áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền ban hành có vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, không bảo đảm tính chính xác; Số lượng các vi phạm pháp luật phổ biến trong từng lĩnh vực cụ thể.

Đối với tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật của cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền: Số vụ khiếu nại do cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng pháp luật không đúng;Số vụ khiếu nại về việc áp dụng pháp luật dẫn tới vi phạm quyền, tự do cá nhân; Số quyết định hành chính áp dụng pháp luật đã ban hành vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền; Số quyết định hành chính áp dụng pháp luật đã ban hành không bảo đảm tính chính xác, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, gây bức xúc trong cơ quan, đơn vị và xã hội.

Về mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, đơn vị và cá nhân: Tình hình chung về việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân; Số vụ việc đã giải quyết kịp thời; Số vụ việc đã giải quyết nhưng bị khiếu nại; Số vụ việc vi phạm theo loại và mức độ vi phạm; Số vụ việc tham nhũng đã được phát hiện; Số liệu các trường hợp vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật; Nguyên nhân của tình trạng không tuân thủ hoặc mức độ tuân thủ các quy định của pháp luật không cao…

Thông tin về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng được thu thập từ báo cáo của các cơ quan, đơn vị theo quy định Thông tư này, gồm: Số lượng, hình thức và tên văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; số lượng, hình thức và tên văn bản ban hành chậm tiến độ và lý do chậm tiến độ; số lượng văn bản không thống nhất, không đồng bộ và tính khả thi không cao; Nội dung, hình thức tập huấn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật đã thực hiện; thực trạng về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, các điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật; Tình hình hướng dẫn, áp dụng pháp luật của cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền; Tình hình xử lý vi phạm pháp luật.

Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật được thực hiện theo kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Quốc phòng, của cơ quan, đơn vị hoặc khi có những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trình tự, thủ tục kiểm tra như sau: Thực hiện theo quy định về kiểm tra hành chính; Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng chịu sự kiểm tra báo cáo bằng văn bản, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra; giải trình những vấn đề thuộc nội dung kiểm tra; Đoàn kiểm tra hoặc người có thẩm quyền kiểm tra xem xét, xác minh, kết luận về những vấn đề thuộc nội dung kiểm tra; Tổ chức phúc tra nội dung đoàn kiểm tra và người có thẩm quyền kiểm tra kiến nghị cơ quan, đơn vị (nếu có).

Quá trình kiểm tra, trường hợp phát hiện những thông tin cần xử lý theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đoàn kiểm tra và cá nhân có thẩm quyền kiểm tra kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để xử lý nội dung kiến nghị của đoàn kiểm tra và người có thẩm quyền kiểm tra. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị xử lý kết quả kiểm tra, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị, thông báo về kết quả xử lý kiến nghị của đoàn kiểm tra cho người ra quyết định kiểm tra. Trường hợp không nhất trí với kết quả xử lý hoặc không nhận được kết quả xử lý, người ra quyết định kiểm tra gửi kiến nghị xử lý đến cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kết quả kiểm tra.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 01 năm 2015.