Quy định về chi phí thẩm tra an toàn giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác

19/12/2014
Liên Bộ Giao thông vận tải – Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT/BGTVT-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2014 quy định về chi phí thẩm tra an toàn giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác.

 

Thông tư này quy định về lập, quản lý chi phí thẩm tra an toàn giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập, quản lý chi phí thẩm tra an toàn giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác.

Đối với hệ thống quốc lộ, kinh phí thẩm tra an toàn giao thông được bố trí từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương. Đối với các hệ thống đường địa phương (đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện), kinh phí thẩm tra an toàn giao thông được bố trí từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Đối với đường thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), kinh phí thẩm tra an toàn giao thông được tính trong phương án tài chính của hợp đồng. Trường hợp hợp đồng ký trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, kinh phí thẩm tra an toàn giao thông được bố trí từ chi phí bảo trì đường xây dựng theo hợp đồng BOT, BTO của Chủ đầu tư. Đối với đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là đường chuyên dùng), kinh phí thẩm tra an toàn giao thông do tổ chức, cá nhân quản lý khai thác chịu trách nhiệm

Chi phí thẩm tra an toàn giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác là toàn bộ chi phí cần thiết để hoàn thành nội dung công việc thẩm tra an toàn giao thông theo quy định tại Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP.

Nội dung chi phí thẩm tra an toàn giao thông được quy định như sau:

Chi phí chuyên gia được xác định theo số lượng chuyên gia, thời gian làm việc của chuyên gia và tiền lương của chuyên gia, cụ thể: Số lượng chuyên gia, thời gian làm việc của chuyên gia được xác định theo yêu cầu, khối lượng công việc cụ thể cần thẩm tra an toàn giao thông, yêu cầu về tiến độ thẩm tra an toàn giao thông và trình độ của từng chuyên gia. Căn cứ vào quy mô, tính chất công trình, tiến độ thực hiện thẩm tra an toàn giao thông, các yếu tố khác liên quan đến công tác thẩm tra an toàn giao thông, quy định của pháp luật về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thẩm tra an toàn giao thông và các quy định hiện hành để xác định số lượng chuyên gia và thời gian làm việc của từng chuyên gia thẩm tra an toàn giao thông. Tiền lương chuyên gia bao gồm tiền lương theo ngạch bậc, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chi phí vật liệu được xác định căn cứ vào chủng loại, khối lượng theo quy định hiện hành và giá của vật liệu được sử dụng. Giá của vật liệu được xác định theo công bố giá của địa phương; trường hợp vật liệu không có trong công bố giá của địa phương thì xác định trên cơ sở giá thị trường do tổ chức có chức năng cung cấp, báo giá của nhà sản xuất, thông tin giá của nhà cung cấp hoặc giá đã được áp dụng cho các công tác khác có tiêu chuẩn, chất lượng tương tự.

Chi phí máy, thiết bị được xác định căn cứ vào nhu cầu số lượng, thời gian sử dụng theo quy định hiện hành và giá của ca máy, thiết bị. Giá ca máy, thiết bị áp dụng theo bảng giá ca máy, thiết bị do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc theo mặt bằng thị trường giá ca máy, thiết bị phổ biến.

Chi phí trực tiếp khác, bao gồm: Chi phí khảo sát hiện trường, đi lại, chi phí hội nghị, hội thảo, chi khác phục vụ cho việc thẩm tra an toàn giao thông. Các khoản chi phí trực tiếp khác được xác định như sau: Chi phí khảo sát hiện trường được xác định theo thời gian số lần khảo sát, phương tiện sử dụng và các chi phí cần thiết khác trong quá trình khảo sát hiện trường; Chi phí hội nghị, hội thảo và chi phí đi lại xác định theo yêu cầu của công việc thẩm tra an toàn giao thông. Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Chi phí quản lý là khoản chi phí duy trì hoạt động của tổ chức thẩm tra an toàn giao thông và các chi phí quản lý khác phục vụ cho công tác thẩm tra an toàn giao thông. Chi phí quản lý xác định bằng tối đa 55% của chi phí chuyên gia;

Chi phí khác bao gồm: chi phí lập Đề cương và Dự toán chi phí thẩm tra an toàn giao thông và các chi phí cần thiết khác phục vụ cho việc thẩm tra an toàn giao thông;

Thu nhập chịu thuế tính trước xác định bằng 6% của tổng chi phí chuyên gia, chi phí quản lý và chi phí khác; Thuế giá trị gia tăng được xác định theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các quy định của pháp luật về thuế.

Dự toán chi phí thẩm tra an toàn giao thông được điều chỉnh trong trường thay đổi khối lượng công việc thẩm tra an toàn giao thông do có sự thay đổi về đặc điểm của tuyến, đoạn tuyến được thẩm tra an toàn giao thông; Người có thẩm quyền quyết định đầu tư yêu cầu bổ sung các công việc thẩm tra an toàn giao thông; Trường hợp các chi phí được quy định tại Thông tư này thay đổi theo chế độ, chính sách mới của Nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán chi phí thẩm tra an toàn giao thông công trình đường bộ đang khai thác tại các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ thẩm tra an toàn giao thông công trình đường bộ đang khai thác.

Các khoản chi thẩm tra an toàn giao thông chi không đúng chế độ, chi sai nội dung chi quy định tại Thông tư liên tịch này đều phải xuất toán thu hồi nộp ngân sách nhà nước; người nào ra lệnh chi sai người đó phải bồi hoàn cho công quỹ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015.