Hướng dẫn việc cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung

17/12/2014
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 41/2014/TT-NHNN ngày 16 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn việc cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
 

Đối tượng áp dụng theo Thông tư là Ngân hàng Chính sách xã hội; Các hộ gia đình thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg được vay vốn Ngân hàng Chính sách để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.

Nguyên tắc cho vay được quy định như sau: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đúng đối tượng trên cơ sở danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và cung cấp. Căn cứ tình hình nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, cho vay hộ gia đình theo thứ tự ưu tiên và thời gian thực hiện hỗ trợ quy định tại Điều 3, khoản 2 Điều 8 Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg; Đảm bảo vốn cho vay trực tiếp đến với từng hộ gia đình; Hộ gia đình vay vốn đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn vay và lãi vốn vay đúng thời hạn theo cam kết.

Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg gồm: 50% do ngân sách trung ương cấp và 50% do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động.

Lãi suất cho vay áp dụng là 3%/năm. Thời hạn cho vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc, lãi là 05 năm tính từ thời điểm hộ gia đình bắt đầu nhận khoản vốn vay đầu tiên.

Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ gia đình vay vốn thỏa thuận về số tiền và các kỳ hạn trả nợ gốc; các kỳ hạn trả nợ lãi. Hộ gia đình vay vốn thực hiện trả nợ gốc, lãi vốn vay từ năm thứ 6. Mức trả nợ mỗi năm tối thiểu bằng 20% tổng số vốn đã vay. Hộ gia đình vay vốn được trả nợ gốc và lãi vốn vay trước hạn.

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho vay. Trường hợp thực hiện theo phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, cơ chế ủy thác cho vay được thực hiện như cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thông tư cũng nêu rõ hồ sơ, thủ tục vay vốn như sau: Ngân hàng Chính sách xã hội quy định cụ thể và niêm yết công khai về hồ sơ, thủ tục vay vốn phù hợp với quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, Thông tư này và quy định của pháp luật hiện hành; đảm bảo đơn giản, rõ ràng và dễ thực hiện; Căn cứ hồ sơ vay vốn của hộ gia đình, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay theo quy định tại Thông tư này; Trường hợp từ chối cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội phải thông báo bằng văn bản tới hộ gia đình vay vốn, trong đó nêu rõ lý do từ chối cho vay.

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân trực tiếp cho hộ gia đình vay vốn, kể cả trường hợp thực hiện ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện giải ngân 100% vốn vay đã cam kết cho vay sau khi hoàn thành phần móng đối với những hộ gia đình vay vốn để xây dựng mới; Sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc xây dựng sàn vượt mức ngập lụt đối với hộ gia đình vay vốn để cải tạo, nâng tầng nhà ở đã có. Căn cứ vào bản tổng hợp xác nhận hoàn thành theo giai đoạn xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi để thực hiện giải ngân vốn vay theo quy định tại Thông tưnày.

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ gốc, nợ lãi vốn vay của từng hộ gia đình. Hộ gia đình có nghĩa vụ hoàn trả nợ gốc và lãi vốn vay. Trường hợp đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng mà hộ gia đình vay vốn không trả được nợ do nguyên nhân khách quan thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ trên cơ sở khả năng trả nợ của hộ gia đình vay vốn trong thời gian tiếp theo. Tổng thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn đã cho vay. Khi kết thúc thời hạn cho vay mà hộ gia đình không trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đã cam kết và không được Ngân hàng Chính sách xã hội cho gia hạn nợ thì số dư nợ gốc được chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất cho vay quá hạn là 3,9%/năm; không áp dụng phạt chậm trả.

Việc xử lý rủi ro đối với các khoản vay xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung được thực hiện theo quy định hiện hành về xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Hàng tháng (trước ngày 10 của tháng tiếp theo), Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp tình hình cho vay đối với hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) theo Biểu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Hàng tháng (trước ngày 10 của tháng tiếp theo), Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg tại địa phương về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đóng trụ sở theo Biểu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg trên địa bàn; Thực hiện việc kiểm tra, giám sát và thanh tra theo thẩm quyền đối với Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn trong việc cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg; Tham mưu và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg tại địa phương. Trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) để được xem xét, xử lý.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2014