Hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn

15/12/2014
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 46/2014/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khan.
 

Theo đó, nguyên tắc hỗ trợ đối với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương; Phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo; Đảm bảo công khai, dân chủ, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án; Các đối tượng tham gia dự án được hỗ trợ tùy theo nội dung của dự án. Mức hỗ trợ cho từng hộ và tỷ lệ hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ không nghèo trong nhóm hộ do Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định. Đối với hộ nghèo, cận nghèo: Có điều kiện về đất đai, lao động và tư liệu sản xuất đáp ứng với nội dung của dự án; Có cam kết thực hiện đúng các nội dung sản xuất đã đăng ký. Về nhóm hộ: Các thành viên trong nhóm có đất đai, lao động, tư liệu sản xuất phù hợp với nội dung của dự án; Có cam kết thực hiện đúng các nội dung sản xuất đã đăng ký.

Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gồm các nội dung cơ bản như: Mục tiêu của dự án; Nội dung dự án; Các hoạt động của dự án; Tổ chức thực hiện dự án; Kiểm tra đánh giá, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện dự án.

Tùy theo mục đích, nội dung của dự án và điều kiện cụ thể của địa phương, người dân tham gia dự án được hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư theo quy định sau: Giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, có giá trị kinh tế nằm trong danh mục giống được phép sản xuất và kinh doanh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phù hợp với quy hoạch, đề án tái cơ cấu ngành và điều kiện của địa phương; Phân bón, vật tư theo định mức kỹ thuật áp dụng cho từng giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản; Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc xin tiêm phòng bệnh nguy hiểm theo quy định của thú y.

Đối với việc thẩm định, phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Thông tư quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã gửi 01 bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Hồ sơ gồm: Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp xã trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt dự án; Đơn đăng ký của các hộ tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này); Biên bản họp thôn, bản (Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này); Danh sách hộ, nhóm hộ đăng ký dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này); Thuyết minh dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này).

Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiếp nhận hồ sơ và trả giấy biên nhận hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã (trường hợp nộp trực tiếp). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp huyện phải trả lời bằng văn bản về tính hợp lệ của hồ sơ để tiến hành thẩm định hoặc không thẩm định; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thẩm định các nội dung của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ; Sau khi có kết quả thẩm định, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và trả kết quả về Ủy ban nhân dân cấp xã trong 02  ngày làm việc.

Trên cơ sở dự án được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho người dân về nội dung của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; chế độ chính sách hỗ trợ; danh sách hộ, nhóm hộ tham gia dự án; Tổ chức thực hiện dự án theo nội dung được phê duyệt; Cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình thực hiện dự án; Tổng hợp, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện dự án.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 21 tháng 01 năm 2015.