Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

19/05/2011
Ngày 10/05/2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 678/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu của Quyết định nhằm phát triển trợ giúp pháp lý ổn định, bền vững, cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ, có chất lượng cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện của Nhà nước, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi có vướng mắc pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội, tăng hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Chiến lược đưa ra mục tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể như sau:

Mục tiêu tổng quát: Phát triển trợ giúp pháp lý ổn định, bền vững, cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ, có chất lượng cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện của Nhà nước, huy động triệt để sự tham gia của các nguồn lực xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi có vướng mắc pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội, tăng hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Mục tiêu phát triển cụ thể của các giai đoạn: 2011-2015 và 2016-2020, với những nội dung cụ thể như: Nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý; Phát triển mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và mạng lưới hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các hình thức trợ giúp pháp lý cụ thể và quản lý nhà nước đối với trợ giúp pháp lý. Đối với giai đoạn 2016 2020, công tác quản lý nhà nước đối với trợ giúp pháp lý được tăng cường. Định hướng phát triển đến năm 2030; Sau 10 năm thực hiện Chiến lược, hoàn thiện mô hình trợ giúp pháp lý trên cơ sở tổ chức đánh giá toàn diện về mô hình và tổ chức, hoạt động của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý của Nhà nước và xã hội; đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của mô hình trợ giúp pháp lý, khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, đổi mới và hoàn thiện phương pháp quản lý và kiểm tra chất lượng.

Các giải pháp thực hiện mục tiêu; Hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; Tăng cường hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; Từng bước nâng cao điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; Phát triển Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam, nghiên cứu và thể chế hóa về việc mở rộng Chi nhánh của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam ở địa phương để thu hút ngày càng nhiều đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động trợ giúp pháp lý; Xác định trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý của các cơ quan, tổ chức với tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý; Nâng cao chế độ đãi ngộ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, có chế độ khen thưởng kịp thời để khuyến khích, động viên những người có nhiều đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý và thu hút lực lượng xã hội tham gia; Tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý và sự hỗ trợ về tài chính của các nước và các tổ chức quốc tế. Đối với các giai đoạn thì có các giải pháp cụ thể, hợp lý kèm theo.

Tô Hoàng