Nhiều nội dung quan trọng đã được thông qua tại Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 6

23/11/2018
Sau gần một tháng làm việc, từ ngày 22/10/2018 đến ngày 20/11/2018, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp đã thông qua nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm theo dõi và ủng hộ.
Bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước
Thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn lớn, được Nhân dân cả nước tin tưởng, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước là vấn đề mà cử tri và các đại biểu rất quan tâm và mong mỏi. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ vui mừng, phấn khởi, tin tưởng Quốc hội đã sáng suốt bầu chọn đúng người có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín để đảm nhiệm hai trọng trách lớn - người lãnh đạo cao nhất của Đảng đồng thời là người đứng đầu Nhà nước. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, nỗ lực hết sức mình hoành thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”. 
Hiệp định CPTPP - Việt Nam là nước thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này
Chiều 12/11, với 100% đại biểu Quốc hội có mặt (469 đại biểu) biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Trước đó New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã thông qua hiệp định. Việc tham gia Hiệp định mở ra cho nước ta nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên, sẽ có nhiều vấn đề mới đặt ra như thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ…
Hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn và thể hiện rõ mức độ tín nhiệm của mình đối với từng chức danh; Các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm đều có sự ghi nhận về mức độ cố gắng, đóng góp, cống hiến trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt. Nhiều đồng chí khi lấy phiếu tín nhiệm thì kết quả chưa cao nhưng sau đó đã có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm, đổi mới phương thức điều hành, lãnh đạo và tạo ra những chuyển biến rõ rệt đối với ngành, lĩnh vực phụ trách, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. 
Thông qua 9 luật, 01 Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật
Các dự án luật, Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 này đã góp phần tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền công dân, chính sách giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. 
Quốc hội đã thông qua 9 luật gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP cùng các văn kiện liên quan. 
6 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Giáo dục (sửa đổi);  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. 
Qua việc đánh giá cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra, GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.
Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực, phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp, cùng các tầng lớp Nhân dân về những thành tích nổi bật của năm 2018 và trong 3 năm qua; đồng thời, đã phân tích, chỉ ra những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua 4 nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.