​Quy định của Luật TNBCNN năm 2017 bảo đảm thực hiện một số quyền con người về dân sự, chính trị

19/11/2018
Theo Điều 3 và Điều 26 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị  ICCPR ghi nhận “các quốc gia thành viên Công ước này cam kết bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đã quy định” và “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Về mặt này, pháp luật phải nghiêm cấm mọi sự phân biệt  đối xử và bảo đảm cho mọi người sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả chống lại những phân biệt, đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác”.
Để nội  luật hóa quy định này của Công ước, đồng thời kế thừa và phát huy quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Điều 2 Luật TNBTCNN 2017 quy định đối tượng được bồi thường không phân biệt đối tượng miễn sao các đối tượng này đáp ứng được đầy đủ các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định tại Điều 7 của Luật TNBTCNN thì sẽ được bồi thường. Mặt khác Điều 4 của Luật cũng ghi nhận nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, theo đó, việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.
Về nguyên tắc bồi thường, phù hợp với các quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2, khoản 5 Điều 9 và khoản 6 Điều 14 ICCPR về quyền yêu cầu được bồi thường, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009 , Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung 01 điều (Điều 4) quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước. Theo đó, về cơ bản, nguyên tắc bồi thường được thừa kế  như quy định của Luật TNBTCNN năm 2009, nhưng Luật TNBTCNN năm 2017 đã mở rộng nguyên tắc bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự (khoản 4 Điều 4). Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường.
Về quyền "không bị hạ thấp nhân phẩm", xâm phạm các quyền tự do. Theo điểm a khoản 3 Điều 2 ICCPR quy định trách nhiệm của quốc gia thành viên trong việc "bảo đảm rằng bất cứ người nào bị xâm phạm các quyền và tự do như được công nhận trong Công ước đều nhận được các biện pháp khắc phục hậu quả, cho dù sự xâm phạm đó là do hành vi của những người thi hành công vụ gây ra" hay Điều 7 ICCPR cũng ghi nhận "không ai có thể bị tra tấn, ... hạ thấp nhân phẩm". 

Để nội luật hóa điểm a khoản 3 Điều 2 hay Điều 7 của  ICCPR, Điều 20 của Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền này. Để xử lý các trường hợp vi phạm quyền bất khả xâm phạm, một số Bộ luật, luật đã được ban hành nhằm đảm bảo thực hiện và cụ thể hóa các quy định này Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung một mục mới tại Chương V quy định về hình thức, thủ tục, trách nhiệm thực hiện việc phục hồi danh dự và đã bổ sung thêm 2 trường hợp được bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là người bị bắt và pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật.