Đăng ký tài sản – điểm mới trong Bộ luật dân sự năm 2015

07/12/2016
Đăng ký tài sản – một trong những điểm mới của Bộ luật dân sự năm 2015 được nhiều người dân quan tâm.
Điều 106 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản.
2. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.
3. Việc đăng ký tài sản phải được công khai”.
Như vậy, bên cạnh quyền sở hữu, BLDS năm 2015 cũng đã quy định về việc đăng ký đối với "quyền khác đối với tài sản". Đồng thời, BLDS năm 2015 quy định đăng ký tài sản theo tinh thần chung là nhằm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Ví dụ:
- Điều 133 BLDS năm 2015 quy định trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa;
- Điều 297 BLDS năm 2015 quy định: "1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm; 2. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan";
- Khoản 2 Điều 298 BLDS năm 2015 quy định: "Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký";
- Khoản 2 Điều 310 BLDS năm 2015 quy định: "Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký";
- Khoản 2 Điều 319 BLDS năm 2015 quy định: "Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký"…
Để bảo đảm Bộ luật dân sự được thi hành thống nhất, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả trên phạm vi cả nước từ ngày 01/01/2017, Quốc hội đã giao cho Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc "rà soát các VBQQPL có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới của BLDS (sửa đổi)", "trình Quốc hội xem xét Luật đăng ký tài sản"  (Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm).
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ góp phần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đó là: “Bộ Tư pháp chủ trì, phố hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương…. xây dựng Luật đăng ký tài sản”. Tại Quyết định số 243/2016/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật dân sự đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp “chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký tài sản…”.
Vấn đề đăng ký tài sản đã được quy định rải rác trong hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, nội dung về đăng ký tài sản được quy định phân tán trong nhiều VBQPPL ở tầm luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành trong khi đăng ký tài sản là điều kiện làm phát sinh quyền đối với tài sản hoặc tạo hiệu lực đối kháng với người thứ ba (các quyền được đăng ký có hiệu lực đối kháng với người thứ ba) và đăng ký tài sản là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền về tài sản của các tổ chức, cá nhân. Ví dụ:
- Điều 95, khoản 3 Điều 188 Luật đất đai năm 2013;
- Khoản 1 Điều 118, Điều 12 Luật nhà ở năm 2014;
- Khoản 7 Điều 3 Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;
- Các Điều 28, 29 và 30 Luật hàng không dân dụng năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014);
- Các Điều 18, 19 và 36 Bộ luật hàng hải năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017);
- Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);
- Điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 163/2006/NĐ-CP); khoản 1 Điều 3 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 83/2010/NĐ-CP);
- Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 quy định về đăng ký xe; Thông tư số 37/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định quy trình đăng ký xe...
Do đó, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định đăng ký tài sản để xác định thời điểm chuyển quyền ở văn bản luật, nhất là phải được quy định trong văn bản luật về những trường hợp cần đăng ký, cơ quan có thẩm quyền đăng ký... Đối với việc đăng ký tài sản để phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề này trong hệ thống pháp luật hiện hành nên cần nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật đăng ký tài sản.