Tăng cường bảo hộ công dân trong bối cảnh quốc tế

22/11/2016
Trường Đại học Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp) mới đây đã tổ chức hội thảo khoa học “Các vấn đề pháp lý và thực tiễn về bảo hộ công dân trong bối cảnh quốc tế hiện nay”. Một trong những hoạt động bảo hộ công dân được chúng ta đang làm rất tốt thời gian gần đây là bảo hộ công dân trong các tình huống khủng hoảng.
Thực hiện hiệu quả công tác bảo hộ công dân
Theo đó, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, nhất là trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh diễn ra liên miên. Vừa qua, chúng ta đã làm rất tốt việc này, thực hiện hiệu quả một số chiến dịch sơ tán lao động Việt từ Li-băng, Li Bi… về nước an toàn.
Liên quan đến ngư dân và tàu cá Việt Nam, theo thống kê, có khoảng 2,5 triệu ngư dân và người làm các dịch vụ hậu cần tại biển Đông, cùng hơn 170 nghìn tàu cá tham gia đánh cá trên biển. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc xảy ra 49 vụ với 84 tàu cá và 608 ngư dân Việt Nam bị tàu nước ngoài kiểm soát, bắt giữ trên vùng biển nước ngoài; tại vùng biển chồng lần, tranh chấp xảy ra 47 vụ với 48 tàu cá và 501 ngư dân. Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) từng cho biết, công tác bảo hộ ngư dân, tàu cá thời gian qua được thực hiện với 726 lượt tàu, tổng số 5.752 lượt ngư dân, trong đó một phần lớn bị phía nước ngoài bắt giữ, phạt tù.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, hiện có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Với lực lượng lao động xuất khẩu dồi dào này, công tác bảo hộ lao động Việt Nam được thực hiện tích cực khi có tình trạng lao động bất hợp pháp, tranh chấp hợp đồng như lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, bị đối xử tệ bạc… Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã vận hành tốt cơ chế quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài từ trung ương đến địa phương với sự hiện diện của hệ thống thanh tra lao động và cơ chế phối hợp liên ngành. .
Tăng cường ký kết các hiệp định song phương về tương trợ tư pháp
Như vậy, có thể thấy thực tiễn bảo hộ công dân đang diễn ra khá “nóng” và cũng phát sinh nhiều vấn đề phải giải quyết. Vụ trưởng Vụ Pháp luật và điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Vũ chia sẻ, chẳng hạn khi bảo hộ công dân trong các tình huống khủng hoảng thì có bắt buộc phải xác định thời điểm sơ tán và quyết định việc sơ tán không rồi chi phí cho việc sơ tán và đưa về nước do ai chịu, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng để sơ tán công dân là như thế nào hay có thể tìm kiếm khả năng hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế không… Riêng với ngư dân và tàu cá Việt Nam, vấn đề quan trọng là làm sao bảo hộ được hiệu quả nhưng đồng thời không khuyến khích ngư dân vi phạm đánh cá ở vùng biển nước ngoài.
Để công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đạt hiệu quả, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động bảo hộ công dân thì nhiều ý kiến cho rằng cần ký kết các hiệp định song phương về tương trợ tư pháp với các quốc gia liên quan. ThS Đỗ Quí Hoàng (Trường Đại học Luật Hà Nội) lại đề nghị thiết lập một hệ thống rộng rãi các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ bởi đây là lực lượng đầu tiên và quan trọng nhất trong việc tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân.
Đặc biệt, Việt Nam đã thành lập Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam. Quỹ này sẽ tạm ứng kinh phí thanh toán tiền viện phí, thuốc men, vé tàu xe về nước, tiền ăn, ở trong thời gian chờ làm thủ tục về nước; tang lễ, hỏa thiêu, vận chuyển thi hài, di hài về nước cho công dân trong các trường hợp khẩn cấp mà đương sự không có khả năng tài chính vào thời điểm đó, nhưng có đặt cọc, bảo lãnh của gia đình, tổ chức trong nước về việc hoàn trả các khoản tiền này. Các quan điểm mong muốn Quỹ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho việc bảo hộ công dân.
H.Thư