Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1965 về Tống đạt giấy tờ

08/12/2016
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước La Hay năm 1965 về Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại của Việt Nam.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm khai thác tối đa các lợi ích, đồng thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên Công ước của Việt Nam; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác ủy thác tư pháp trong tống đạt giấy tờ của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thực hiện tống đạt giấy tờ theo Công ước
Thủ tướng giao cho cơ quan chủ trì là Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ tống đạt và thực hiện yêu cầu tống đạt của các nước thành viên Công ước, cụ thể:
Bộ Tư pháp tiếp nhận, kiểm tra các yêu cầu tống đạt của Việt Nam gửi đến các nước thành viên Công ước đảm bảo phù hợp với các mẫu theo Công ước, yêu cầu về ngôn ngữ và chi phí của các quốc gia thành viên Công ước; tiếp nhận, kiểm tra các yêu cầu tống đạt của các nước thành viên Công ước gửi đến Việt Nam đảm bảo phù hợp với các mẫu theo Công ước và tuyên bố của Việt Nam khi gia nhập; theo dõi, đôn đốc, rà soát tình hình thực hiện các yêu cầu tống đạt của Việt Nam và của các nước thành viên Công ước.
Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận các yêu cầu tống đạt của nước ngoài hoặc của Việt Nam gửi qua kênh ngoại giao; hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận, chuyển giao các yêu cầu tống đạt của nước ngoài hoặc của Việt Nam gửi qua các kênh ngoại giao, kênh lãnh sự theo Điều 8, Điều 9 Công ước.
Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền khác lập hồ sơ tống đạt gửi ra nước ngoài; thực hiện yêu cầu tống đạt của các nước thành viên Công ước phù hợp với quy định của Công ước và pháp luật trong nước có liên quan.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao cho cơ quan phối hợp là: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn, đôn đốc các Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hiện các yêu cầu tống đạt theo quy định của Công ước.
Đẩy mạnh tin học hóa hoạt động ủy thác tư pháp
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh tin học hóa hoạt động ủy thác tư pháp và giao cho cơ quan chủ trì là Bộ Tư pháp thực hiện.
Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các Viện kiểm sát cấp tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền lập và thực hiện hồ sơ ủy thác tống đạt giấy tờ.
Thời gian thực hiện: Năm 2016-2017 tiến hành nâng cấp phần mềm của Bộ Tư pháp thực hiện và quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp nói chung, tống đạt giấy tờ theo khuôn khổ Công ước nói riêng. Năm 2018 - 2020: Nghiên cứu khả năng và chuẩn bị các điều kiện để tiến hành tin học hóa, kết nối phần mềm thực hiện và quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp, tống đạt giấy tờ giữa Cơ quan Trung ương - Bộ Tư pháp với các cơ quan, đơn vị thực hiện khác.
Định kỳ rà soát, đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Công ước
Thủ tướng giao cho cơ quan chủ trì là Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá, tổng kết chung. Bộ Ngoại giao chủ trì rà soát, đánh giá tổng kết việc thực hiện tống đạt qua các kênh ngoại giao, lãnh sự quy định tại Điều 8 và Điều 9 Công ước và gửi Bộ Tư pháp tổng hợp chung. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì rà soát, đánh giá tổng kết thực hiện tống đạt đối với kênh bưu điện và các kênh tống đạt bổ sung theo quy định của pháp luật trong nước và gửi Bộ Tư pháp tổng hợp chung.
Cơ quan phối hợp: Các bộ, ngành có liên quan, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền lập và thực hiện hồ sơ tống đạt giấy tờ.
Thủ tướng giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; có trách nhiệm ban hành kế hoạch chi tiết, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Mục II của Kế hoạch này.
Bộ Tư pháp định kỳ hàng năm đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch lồng ghép trong báo cáo tương trợ tư pháp trình Quốc hội. Định kỳ 5 năm, Bộ Tư pháp thực hiện tổng kết đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, căn cứ Kế hoạch này có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được phân công tại Kế hoạch này; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao, đảm bảo thực hiện Công ước đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả.