Dự thảo Luật Dạy nghề: Khắc phục tình trạng ''thừa thầy, thiếu thợ''

15/04/2014
Chiều 14/4, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Dạy nghề, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng ''thừa thầy, thiếu thợ'' trong phạm vi quản lý của ngành lao động, thương binh và xã hội.

Sửa đổi để tạo tiền đề phát triển hoạt động dạy nghề

Các quy định của Luật Dạy nghề đã điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực dạy nghề. Cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Dạy nghề đã tạo nên một hệ thống pháp luật về dạy nghề tương đối đồng bộ, thống nhất, góp phần thúc đẩy hoạt động dạy nghề phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng nêu trên, do tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, công tác giáo dục, đào tạo nói riêng đã có những thay đổi, nên một số quy định trong Luật Dạy nghề không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo tính khả thi, đồng bộ với hệ thống các văn bản luật khác có liên quan được ban hành trong thời gian qua. Một số quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động dạy nghề nhưng chưa được Luật điều chỉnh hoặc có điều chỉnh nhưng chưa cụ thể...

Cùng với đó, yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng, trước mắt vào năm 2015, Việt Nam tham gia vào Cộng đồng ASEAN, đòi hỏi hoạt động dạy nghề cần phải đổi mới cho phù hợp với tình hình trong nước, khu vực và quốc tế đặt ra sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, tạo tiền đề, động lực cho dạy nghề phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, luật dạy nghề được sửa đổi để đổi mới chính sách đối với người học nghề, nhà giáo dạy nghề, cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp nhằm thu hút người học, tạo động lực cho nhà giáo dạy nghề, khuyến khích các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tham gia dạy nghề; Đa dạng hóa hình thức và tổ chức đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người học có cơ hội lựa chọn phương thức học tập phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân và học tập suốt đời; ; Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở dạy nghề, thực hiện chủ trương dân chủ hóa, bình đẳng giữa các loại hình cơ sở dạy nghề…

Tạo cơ chế thuận lợi hơn để thu hút người học

Góp ý vào dự thảo Luật Dạy nghề, ông Ksor Phước (Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội) nhận thấy, dự thảo Luật chưa có giải pháp cho tình trạng người học đại học quay về học trung cấp, cao đẳng do không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài. Cùng lo ngại về chất lượng dạy nghề hiện nay, ông Nguyễn Đức Hiền (Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội) đề cập đến tình trạng chỉ có 10% học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nghề dẫn đến “thừa thầy thiếu thợ”, trong khi đó, cơ chế dạy nghề khiến nhiều người thợ muốn học cao hơn nhiều khó khăn. Ngoài ra, bà Trương Thị Mai (Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) đề nghị làm rõ về danh mục nghề trọng điểm quốc gia để có chủ trương đầu tư đúng, có trọng tâm cho hoạt động dạy nghề, “không thể có đến 112 nghề trọng điểm quốc gia, mà nhiều nghề không biết có ý nghĩa gì đối với sự phát triển như vậy”…

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, một trong các nguyên nhân khiến việc học nghề chưa thu hút là do nhu cầu của người trẻ không muốn học nghề mà chỉ muốn học đại học, cao đẳng, hệ thống các trường dạy nghề cập nhật yêu cầu đổi mới còn khó khăn. Vì thế, dự thảo Luật sẽ khắc phục bằng cách làm tốt phân luồng (có tỷ lệ cụ thể), có cơ chế ưu tiên cho việc dạy và học nghề, nghiên cứu phân cấp kinh phí giáo dục đào tạo cho hoạt động học nghề...

Dự thảo Luật Dạy nghề thực hiện sửa đổi, bổ sung 37 Điều, bỏ 9 Điều (trong đó có một chương) trên tổng số 92 điều của Luật Dạy nghề./.

Hương Giang