Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bàn về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

14/04/2014
Sáng 10/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức đã thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trước khi trình ra Quốc hội xem thông qua tại kỳ họp tới (tháng 5). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền tham dự Hội nghị.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật công chứng (sửa đổi). Về cơ bản, đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi một cách toàn diện đạo luật này và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở nước ta hiện nay, việc giao lại cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính nhà nước sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này, đồng thời cũng không trái với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam mới tham gia làm thành viên.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động công chứng, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng (điểm c khoản 1 Điều 17). Phòng tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, để nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng, dịch thuật, đồng thời bảo đảm tốt hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận dịch vụ chứng nhận bản dịch, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giao cho công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch giấy tờ. Theo đó, bổ sung vào dự thảo Luật quy định công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 62) nhằm đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này. Để có thể kiểm soát chất lượng bản dịch, công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng cần lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ, đồng thời cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với công chứng viên về tính chính xác của nội dung dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.

Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, nhiều ý kiến tán thành quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi như dự thảo Luật đã trình Quốc hội do đây là công việc có tính đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao; công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm để thay mặt Nhà nước cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên giới hạn độ tuổi của công chứng viên mà chỉ nên căn cứ vào điều kiện sức khỏe của công chứng viên. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, khi xây dựng qui định này, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu thấy, ở độ tuổi này, độ minh mẫn, sức khỏe của mỗi người không còn đáp ứng yêu cầu hành nghề công chứng nên đề xuất trong dự thảo Luật giới hạn độ tuổi đến 65 để có đủ điều kiện đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch của người dân, tổ chức. Tuy nhiên, do còn ý kiến còn khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin dự kiến 2 phương án về nội dung này trong dự thảo Luật (tại Điều 35) để đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Đa số các ý kiến đại biểu phát biểu đều ủng hộ chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, song đề nghị vẫn cần phải duy trì Phòng công chứng tại những địa bàn nhất định, vì Nhà nước cần đảm bảo cung cấp dịch vụ công chứng cho người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa nơi không có Văn phòng công chứng. Tán thành với ý kiến quy định về việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể về việc chuyển đổi các Phòng công chứng ở những nơi mà mức độ xã hội hóa của hoạt động công chứng đã đáp ứng được nhu cầu công chứng tại địa phương. Trường hợp không có khả năng chuyển đổi thì mới xem xét giải thể Phòng công chứng...

Hội nghị cũng đã thảo luận về các qui định liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên, nguyên tắc hành nghề công chứng, tiêu chuẩn, đào tạo, bổ nhiệm công chứng viên.

H.Giang