Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong Hiến pháp 2013

04/03/2014

1.  Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân

“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]

Tư tưởng Nhân dân đã được Bác Hồ khẳng định bằng một câu nói ngắn gọn, nhưng vô cùng sâu sắc đó. Tư tưởng đó của Người đã theo suốt những chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên những chiến công hiển hách, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vinh quang, đưa đất nước Việt Nam đến vị thế độc lập, tự chủ sánh vai các cường quốc năm châu, đưa nhân dân Việt Nam đến với bầu trời tự do và hạnh phúc. Tư tưởng đó của Người không chỉ có ý nghĩa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Là lãnh tụ của Đảng và của dân tộc Việt Nam - “… Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc Nhân dân, cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam”[2]. Năm 1946, khi trả lời câu hỏi của các nhà báo về điều mong muốn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”.  Trong một buổi nói chuyện với đồng bào trước khi sang thăm Pháp (30-5-1946), Bác Hồ đã nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.

Với lý tưởng đó, từng phút từng giây và suốt cả cuộc đời, ngày quên ăn – đêm quên ngủ, Người không làm bất cứ một việc gì khác ngoài mưu cầu tự do -hạnh phúc cho Nhân dân. Lời giải cho sự thành công của ham muốn đó là một đẳng thức: Cháy hết mình trong lý tưởng. “Thể xác, tinh thần của Người đã hòa tan vào trong Nước, trong Dân, trí tuệ - giác quan của Người luôn trong trạng thái sẵn sàng hành động và vô cùng nhạy cảm – tựa như một cung đàn luôn căng dây và tinh tường như một ra đa luôn phát sóng. Không có một vật thể nhỏ bé nào chạm vào dân mà cung đàn chẳng rung lên, không một xúc tác nào va vào niềm vui, nỗi buồn của dân lọt được qua các vòng sóng ấy”[3].  

Bác là người Việt Nam đầu tiên có tư tưởng đầy đủ và đúng đắn về vai trò, sức mạnh của quần chúng Nhân dân. Người đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người coi Nhân dân là lực lượng vô tận của cách mạng và nguyên nhân thắng lợi của cách mạng là do Đảng ta đã biết tổ chức và phát huy được lực lượng đó. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là nhờ ở sức dân. Hồ Chí Minh đã thừa nhận và đánh giá đúng khả năng to lớn của Nhân dân mà không có lực lượng nào có thể sánh kịp. Người khẳng định: “Có dân là có tất cả”, tin ở dân, dựa vào dân, tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân là nguyên tắc cơ bản trong chiến lược cách mạng của Người. Nguyên tắc quan trọng này bắt nguồn từ các giá trị trong truyền thống dân tộc: “Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân”[4], “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”[5]. Không có sự ủng hộ của Nhân dân, sao có thể làm nên sự nghiệp lớn lao?

Nhân dân trong tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam cụ thể, cả hai đều là chủ thể của đại đoàn kết dân tộc. Đó là “Mọi con dân nước Việt”, “Mỗi một con Rồng cháu Tiên”, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, “già, trẻ gái trai, giàu nghèo, quý tiện”. Đó là những người nông dân, người công nhân, nhà trí thức, các chiến sĩ bộ đội, công an, các cháu thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, các bậc phụ lão, đồng bào các dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài không phân chia giàu nghèo, trai gái, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo tất cả đều là nhân dân. Đều có chung một vận mệnh, một tương lai tiền đồ, một truyền thống lịch sử, một nền văn minh, văn hóa. Cho nên khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhân dân có chung một kẻ thù, một nhiệm vụ là đứng lên đánh đuổi kẻ thù bảo vệ Tổ quốc. Khi hòa bình, Nhân dân có chung một nhiệm vụ là xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Chính vì thế, Hồ Chí Minh đã nói: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”[6].

Trong tư tưởng của Người, dân là gốc của nước, là nguồn sức mạnh, là lực lượng to lớn của Đảng, của cách mạng. Trí tuệ và năng lực sáng tạo của Đảng đều bắt nguồn từ quần chúng nhân dân. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “công - nông là gốc của cách mệnh” và trong quá trình phát triển của cách mạng Người thường xuyên nhắc nhở “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không làm nên”; “nước lấy dân làm gốc”; “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”[7].

Lòng yêu thương con người của Hồ Chí Minh theo lập trường cách mạng tất yếu đòi hỏi sự tin tưởng và tôn trọng con người trên cơ sở thấy được vai trò quyết định của con người đối với lịch sử. Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, có dân thì có tất cả, không dựa vào dân thì không thể làm được việc gì. Sức mạnh của Đảng, của Nhà nước là dựa trên sức mạnh và sự ủng hộ của Nhân dân. Lòng tin của Hồ Chí Minh đối với con người không chỉ ở chỗ thấy được vai trò sức mạnh của Nhân dân trong cách mạng mà còn ở chỗ thấy được những khả năng tiềm ẩn của họ. Đoàn kết là sức mạnh, đó là nguyên nhân của mọi thành công, mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Sự đoàn kết càng mở rộng thì sự thành công càng chắc chắn, cho nên trong quá trình lãnh đạo cách mạng Bác luôn coi trọng sự đoàn kết Nhân dân, xem đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.

Người luôn xác định: Con người là vốn quý nhất. Con người vừa là lực lượng, là động lực chủ yếu, trực tiếp, vừa là mục tiêu của lịch sử. Đó là sự thống nhất biện chứng của các yếu tố đó trong con người với tư cách là nhân tố quyết định, sáng tạo ra lịch sử. Vì vậy, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Bởi vậy, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên "dân là chủ", "mọi quyền hành đều ở nơi dân", Nhân dân thật sự là ông chủ tối cao của chế độ mới. Người viết: "Chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ", "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ", "Nước ta là nước dân chủ, mọi người có quyền làm, có quyền nói". Trong chế độ mới, giá trị cao nhất của độc lập dân tộc là đem lại quyền làm chủ thực sự cho dân, phải trao lại cho dân mọi quyền hành. Dân là chủ, nghĩa là trong xã hội Việt Nam, Nhân dân là người chủ của nước, nước là nước của dân. Các cơ quan đảng và nhà nước là tổ chức được dân uỷ thác làm công vụ cho dân: Phải thật sự tôn trọng quyền dân chủ của Nhân dân, tuyệt đối không được coi thường dân, lên mặt “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai với Nhân dân, Người đã chỉ rõ: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ”. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”[8]. Người phê phán mọi biểu hiện của cán bộ lợi dụng chức quyền đi đến quan liêu, tham nhũng, hống hách, xa rời dân. Người nói “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” nếu không thực hiện điều đó sẽ làm cho dân oán giận, mất lòng tin vào Đảng, vào Nhà nước dẫn đến làm suy yếu Đảng, đó là nguy cơ tồn vong của chế độ. Bởi vậy, Người luôn quan niệm cái gì có lợi cho Nhân dân, cho dân tộc là chân lý, và Người xem phục vụ Nhân dân là phục tùng chân lý; làm công bộc cho dân là một việc làm cao thượng: Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”[9], “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh[10]. “Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”[11]. Vì lẽ đó cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là một tấm gương mẫu mực về gần dân, học dân, kính trọng, phục vụ Nhân dân.

Trong tư tưởng của Bác Hồ, dân chủ là một nội dung lớn, là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn. Có phát huy cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của Nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Phải thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân để phát huy tính tích cực, tự giác và sáng tạo của Nhân dân.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân trong Hiến pháp năm 2013

Gần 45 năm kể từ ngày Người đi xa, nhưng tư tưởng của Người về Nhân dân - sức mạnh đoàn kết của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng đã thấm sâu vào máu thịt của các thế hệ Việt Nam: “Cả cuộc đời vì dân, vì nước, làm Người công bộc tận tụy trung thành của Nhân dân, bài học đạo đức lớn nhất mà Hồ Chí Minh để lại cho mọi thế hệ người Việt Nam chính là bài học: “Ở đời và làm người” mà nội dung và chiều sâu nhân văn của nó là “Yêu nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức, bóc lột”. Tư tưởng của Người mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Đảng và Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo Nhân dân qua các thời kỳ cách mạng. Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người về sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp cách mạng - Đó là bức tường thành kiên cố mà không một thế lực thù địch nào, không một âm mưu phá hoại nào có thể làm lay chuyển ý chí kiên định lập trường Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta - xứng đáng với niềm mong mỏi của Người trước lúc đi xa: “Điều mong mỏi cuối cùng của tôi là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[12].

Lịch sử cách mạng Việt Nam luôn luôn in đậm dấu ấn của Người. “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta”[13]. Trong mỗi bước đi lên của Nhân dân ta, của Đảng ta đều in trọn dấu ấn của Người - với tư cách là người dẫn đường, lãnh đạo và là linh hồn của cách mạng Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực kể từ ngày 01/1/2014, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước, là thành tựu sau gần 30 năm đổi mới. Đây cũng là bản Hiến pháp thể hiện được những nhận thức mới về kỹ thuật lập hiến, kế thừa và tiếp thu những tinh hoa của Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu của lịch sử; đề cao quyền con người và trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân;…

Hiến pháp với tính chất là văn bản pháp luật chủ đạo của mỗi quốc gia, hiến pháp hợp thức hóa về mặt pháp lý quyền lực nhà nước. Với việc đề cao chủ quyền Nhân dân của Đảng và Nhà nước ta, lần đầu tiên hai chữ “Nhân dân” được viết hoa trong Hiến pháp nhằm khẳng định bản chất của “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”[14],  “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”[15], coi quyền lập hiến cao hơn quyền lập pháp, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lập hiến, thông qua quyền lập hiến của mình. Chủ quyền Nhân dân (quyền lực tối cao của Nhân dân) được thể hiện trước hết ở vai trò của Nhân dân đối với bản Hiến pháp: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”[16] đối với tổ chức quyền lực nhà nước, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”[17]. Nhân dân đã giao quyền cho lập pháp, hành pháp, tư pháp và các thiết chế độc lập khác, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí trang trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp điều đó được thể hiện bằng việc đưa Chương "Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân"  từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 về Chương II trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013[18].

Có thể khẳng định, nội dung của Hiến pháp đã thể hiện ý chí chung của toàn thể Nhân dân – ý Đảng hợp với lòng dân. Đó cũng chính việc học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"[19].  

Một mùa xuân mới đã về trên quê hương Việt Nam. Trong không khí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc Việt Nam “… phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trung và dài hạn nhằm tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”[20], đồng thời thi đua lập nhiều thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc: 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014); 60 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2014); 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày quốc phòng toàn dân (22/12/1944 – 22/12/2014), một “Mùa xuân đầu tiên”[21] thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 03/1/2014 của Ban Bí thư về việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 – một trong những thành tựu của gần 30 năm đổi mới của Việt Nam (1986 - 2016): “Đây là văn kiên pháp lý và đạo luật đặc biệt quan trọng phản ánh ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng bảo vệ phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ đổi mới”[22], đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Việt Tiến

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến Pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 2, 4, 5, 8, 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2000.

3. Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

http://baodientu.chinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Thong-diep-nam-moi-cua-Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung/189949.vgp

4. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Số Chuyên đề: Ngành Tư pháp với Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo lời Bác dạy – Nxb Tư Pháp – Hà Nội năm 2013.

5. GS.TS Trần Ngọc Đường “Chủ quyền Nhân dân xuyên suốt, nhất quán trong Hiến pháp sửa đổi” –

http://baodientu.chinhphu.vn/Trien-khai-Hien-phap-2013/Chu-quyen-Nhan-dan-xuyen-suot-nhat-quan-trong-Hien-phap-sua-doi/191782.vgp

6. Hiến pháp với chủ quyền nhân dân 

http://www.lamdong.gov.vn/vi-VN/a/suahienphap1992/thamkhao/Pages/Hien-phap-voi-chu-quyen.aspx



[1]Trích: Bài nói chuyện của Bác Hồ tại lớp Nghiên cứu Chính trị khóa hai trường Đại học nhân dân Việt Nam ngày 08/12/1956  - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000 tập 8, tr.276 -

[2]Bài ca đi cùng năm tháng “Bác Hồ một tình yêu bao la”, sáng tác Thuận Yến -

[3]Quý Bình: Ham muốn Ham muốn của Hồ Chí Minh - Khát vọng thời đại -

[4]Nguyễn Trãi: “Thuyền bị lật, mới tin rằng dân như nước” trích trong bài thơ “Quan Hải” của Nguyễn Trãi

[5]Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.215 - 

[6]Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 2, tr. 262.

[7]Trích: “Bài thơ cổ động”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.879 -

[8]Trích: “Bài nói chuyện với các đại biểu thân sỹ , trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa” ngày 20/2/1947, xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.57 – tr.63 -

[9]Trích: “Bài nói chuyện của Bác Hồ tại lớp Nghiên cứu Chính trị khóa hai trường Đại học nhân dân Việt Nam ngày 08/12/1956”, xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000 tập 8, tr.276 -

[10]Trích “Chính phủ là công bộc của dân” và  Chiến Thắng: “Sao cho được lòng dân?”, xem  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000 t.4, tr.55

 [11]Trích: “Thư  gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng – Hồ Chí Minh, xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000 t.4, tr.55. tr.64, tr.65 -

[12]Trích: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (công bố năm 1969)  

[13]Trích: Diễn văn của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 18/5/2010 –

[14]Trích Điều 2 Hiến pháp năm 2013

[15]Trích Điều 2 Hiến pháp năm 2013

[16]Trích: Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013

[17]Xem: Tạp chí Cộng sản, Số đặc biệt về Đại hội VI của Đảng, số 1/1/1987, tr.124.

[18] Xem: Chương 2 Hiến Pháp năm 2013 -

[19]Trích: “Dân vận” trên báo Sự Thật số 120, ngày 15.10. 1949 – Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t 5, tr.1379-1381 –

[20]Trích: “Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” 

 
[21] Bài hát: Mùa Xuân Đầu Tiên
[22]Trích: Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam