Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2005/NĐ-CP về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước

24/08/2006
Ngày 21/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 86/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2005/NĐ-CP (ngày 20/10/2005) của Chính phủ về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước.
Theo đó, danh mục các công ty nhà nước đặc biệt quan trọng được ban hành kèm theo Nghị định 86/2006/NĐ-CP bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam; Tập đoàn Dệt - May Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Cao su Việt Nam; Tổng công ty Xi măng Việt Nam; Tổng công ty Thép Việt Nam; Tổng công ty Hóa chất Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền Bắc; Tổng công ty Lương thực miền Nam; Tổng công ty Cà phê Việt Nam; Tổng công ty Giấy Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Nghị định 86/2006/NĐ-CP nêu rõ, sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 132/2005/NĐ-CP như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu các công ty nhà nước đặc biệt quan trọng (danh sách nêu trên) theo đề nghị của Hội đồng quản trị và ý kiến của Bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư".

Đối với khoản 1 Điều 6 của Nghị định 132/2005/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung cụ thể là: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn và ngành, nghề kinh doanh của công ty nhà nước đặc biệt quan trọng theo đề nghị của Hội đồng quản trị và ý kiến của Bộ quản lý ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; phê duyệt mục tiêu, chiến lược của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam và Tổng Công ty Dược Việt Nam theo đề nghị của Bộ quản lý ngành và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ đạo triển khai, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch dài hạn nói trên của đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nghị định 86/2006/NĐ-CP quy định, tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định đầu tư vốn để hình thành vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động đối với công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Hội đồng quản trị và ý kiến của Bộ quản lý ngành.

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị của công ty nhà nước đặc biệt quan trọng (nêu trên) theo đề nghị của Bộ quản lý ngành và thẩm định của Bộ Nội vụ. Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm về việc thực hiện quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực của cán bộ trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Bộ Nội vụ thẩm định việc thực hiện quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm cán bộ do Bộ quản lý ngành trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ quản lý ngành quyết định xếp lương, nâng lương, phụ cấp lương đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị công ty nhà nước đặc biệt quan trọng.

Nghị định 86/2006/NĐ-CP cũng bãi bỏ cơ chế thỏa thuận nêu tại Điều 24 Nghị định số 49/2000/NĐ-CP (ngày 12/9/2000) của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng thương mại và các quy định khác trước đây trái với Nghị định này.

(Theo website Chính phủ)