Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ về dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật đấu thầu

24/08/2006
Tiếp tục chương trình chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, ngày 23/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành trọn một ngày làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu. Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng là: Nghị định phải cụ thể, minh bạch, rõ ràng, dễ thực thi khi đi vào cuộc sống.

Luật đấu thầu đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2006, nên việc sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đang là một nhu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Do đó, ngay từ phiên họp thường kỳ tháng 3/2006, các thành viên Chính phủ đã xem xét và cho ý kiến về Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu do Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) trình. Ngay sau đó, ngày 12/4/2006, Bộ KH&ĐT đã họp với các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Tài chính và Văn phòng Chính phủ để thảo luận, thống nhất việc hoàn thiện dự thảo Nghị định. Đồng thời, Bộ KH&ĐT đã tổ chức tham khảo thêm ý kiến của một số cơ quan, một số chuyên gia trong nước và quốc tế. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ KH&ĐT đã chỉnh sửa, bổ sung Dự thảo lần 2 để hình thành Dự thảo lần 3. Nội dung của Dự thảo lần 3 này gồm 11 chương, 63 điều với các qui định về: Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; chi phí trong đấu thầu; kế hoạch đấu thầu; sơ tuyển nhà thầu; đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế đối với gói thầu dịch vụ tư  vấn; đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu EPC, các hình thức lựa chon nhà thầu khác v.v... Dự thảo Nghị định lần 3 được xây dựng theo hướng phân cấp mạnh hơn, theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt kế hoạch đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu có giá trị lớn, từ 50 tỷ đồng trở lên đối với gói thầu tư vấn, 150 tỷ đồng trở lên đối với gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa và gói thầu EPC thuộc các dự án mà Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về trình tự đấu thầu rộng rãi và hạn chế đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dự thảo lần 3 cũng làm rõ hơn bước chuẩn bị đấu thầu từ việc lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu, lựa chọn danh sách nhà thầu để mời tham gia đấu thầu...nhằm tạo thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện.

Về việc xử lý vi phạm pháp luật trong đấu thầu, dự thảo nhấn mạnh đến việc xử phạt được thực hiện theo nguyên tắc là tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử phạt theo một trong ba hình thức: cảnh cáo, phạt tiền, cấm tham gia hoạt động đấu thầu, đồng thời quyết định xử phạt dù thực hiện ở bất kỳ địa phương nào, ngành nào đều có hiệu lực thi hành trong tất cả các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

Trong cả ngày, Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đã chăm chú lắng nghe ý kiến đóng góp của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên, các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Văn Trọng Lý, Phạm Viết Muôn và các chuyên gia, nhà quản lý, thành viên tham gia Ban soạn thảo Nghị định.Thủ tướng đã đóng góp rất nhiều ý kiến quan trọng về việc xác định tên gọi của Nghị định sao cho có tính bao quát nhất; về điều chỉnh thứ tự một số điều để bảo đảm tính hợp lý;... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng góp ý cho từng nội dung cụ thể, nhất là việc làm rõ các quy định cụ thể và xác định nội hàm các quy định mà từng điều của Nghị định đề cập đến. Tư tưởng chỉ đạo xuyên xuốt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là: Nghị định phải cụ thể, minh bạch, rõ ràng, dễ thực thi khi đi vào cuộc sống.

(Theo website Chính phủ)