Một số lưu ý áp dụng PL để thi hành bản án, QĐ của Tòa án có ND giải quyết bồi thường

26/04/2018
Ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN 2017). Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực thay thế Luật TNBTCNN số 35/2009/QH kể từ ngày 01/7/2018. So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN 2017 có nhiều điểm mới quan trọng liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường. Những quy định mới này ảnh hưởng đến việc cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) phân loại tổ chức thi hành những bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường này. Trong phạm vi bài viết này, bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường được hiểu là: (1) Những bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật THADS có nội dung giải quyết bồi thường. Cụ thể: bản án, quyết định dân sự; bản án, quyết định hình sự; bản án, quyết định hành chính của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật và (2) Bên phải thi hành nghĩa vụ bồi thường trong bản án, quyết định nêu trên là cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
 
1. Việc tổ chức thi hành những bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành
Theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2009 và Luật THADS thì việc Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo bản án, quyết định của Tòa án đối với cơ quan, tổ chức hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp[i] được thực hiện theo một trong hai cơ chế: (1) cấp và chi trả tiền bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2009 và (2) bảo đảm tài chính để thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS.
1.1. Đối với cơ chế cấp và chi trả tiền bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2009
Luật TNBTCNN năm 2009 quy định người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong các trường hợp: (1) Hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định và (2) người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án cấp huyện có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự[ii]; (3) Trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính mà người khởi kiện cho rằng, hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính thực hiện việc giải quyết bồi thường[iii].
Như vậy, đối với những bản án, quyết định có nội dung giải quyết bồi thường của Tòa án có đủ hai điều kiện (1) thuộc phạm vi TNBTCNN của Luật TNBTCNN năm 2009; (2) đã thụ lý trước ngày 01/7/2018 và giải quyết theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2009 về khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong trường hợp giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường[iv] và yêu cầu bồi thường trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính[v], thì kinh phí bồi thường, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường được thực hiện theo của Luật TNBTCNN năm 2009 và văn bản hướng dẫn thi hành.
Về kinh phí bồi thường, Luật TNBTCNN năm 2009 quy định kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương đối với cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương hoặc từ ngân sách địa phương đối với cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường là các Sở, ban, ngành địa phương[vi].
Về trình tự, thủ tục cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường, pháp luật về TNBTCNN[vii] quy định theo nguyên tắc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại phải đảm bảo tính kịp thời, để giảm bớt thiệt hại cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, một mặt, hạn chế thiệt hại phát sinh cho ngân sách nhà nước[viii]. Theo đó, khi phát sinh yêu cầu chi trả tiền bồi thường theo quyết định, bản án giải quyết bồi thường của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ động rút dự toán chi quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền giao (nếu còn) để ứng chi trả cho người bị thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổng hợp, báo cáo cơ quan tài chính cùng có thẩm quyền bổ sung kinh phí bồi thường để hoàn trả kinh phí đã ứng trả cho người bị thiệt hại. Trường hợp khi phát sinh yêu cầu chi trả tiền bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường không còn đủ dự toán để ứng trả cho người bị thiệt hại thì lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường, gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền theo quy định để chi trả cho người bị thiệt hại. Sau khi rút dự toán chi quản lý hành chính hoặc sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại.
1.2. Đối với cơ chế bảo đảm tài chính để thi hành án
Để phân biệt phạm vi bảo đảm tài chính, khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án quy định như sau “Trường hợp nghĩa vụ thi hành án của cơ quan, tổ chức phát sinh do người thi hành công vụ gây ra và đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục bồi thường nhà nước thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước”.
Như vậy, loại trừ những bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường thỏa mãn điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật về TNBTCNN nêu trên thì những bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường còn lại, mà bên có nghĩa vụ thi hành án thuộc diện được bảo đảm tài chính và đủ điều kiện bảo đảm tài chính để thi hành án theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án (Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC), được thi hành theo quy định về bảo đảm tài chính của pháp luật về THADS. Theo đó, những bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường có thể thuộc 02 trường hợp sau: (1) thuộc phạm vi TNBTCNN của Luật TNBTCNN năm 2009, đã thụ lý trước ngày 01/7/2018 nhưng không giải quyết theo thủ tục bồi thường nhà nước quy định tại Luật TNBTCNN năm 2009 hoặc (2) không thuộc phạm vi TNBTCNN của Luật TNBTCNN năm 2009.
Về nguồn kinh phí ngân sách bảo đảm tài chính để thi hành án, khác với cơ chế cấp và chi trả tiền bồi thường theo pháp luật về TNBTCNN, pháp luật về THADS[ix] quy định ngân sách nhà nước chỉ bảo đảm tài chính đối với cơ quan, tổ chức thuộc diện được bảo đảm tài chính sau khi người thi hành công vụ và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật đã chủ động và áp dụng mọi biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thì hành án thì ngân sách nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thi hành án đối với nghĩa vụ bồi thường còn lại không có khả năng để thực hiện theo quyết định, bản án của Tòa án đã tuyên. Căn cứ số kinh phí bảo đảm tài chính, người thi hành công vụ gây thiệt hại tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật về bảo đảm tài chính. Theo đó, nguốn kinh phí ngân sách bảo đảm tài chính để thi hành án cho cơ quan, tổ chức phải thi hành án đối với: (1) đơn vị thuộc Trung ương quản lý do ngân sách Trung ương bảo đảm tài chính để thi hành án; (2) đơn vị thuộc địa phương quản lý do ngân sách địa phương bảo đảm tài chính để thi hành án theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành[x].
Về thủ tục thực hiện bảo đảm tài chính để thi hành án, pháp luật về THADS quy định sau khi nhận được quyết định thi hành án, cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết (yêu cầu người thi hành công vụ chủ động và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm được từ nguồn kinh phí tự chủ thực hiện nghĩa vụ thi hành án) để thanh toán nghĩa vụ thi hành án. Sau khi áp dụng các biện pháp tài chính này nhưng không có khả năng thực hiện hoặc chỉ thực hiện được một phần nghĩa vụ thi hành án, cơ quan, tổ chức phải thi hành án có trách nhiệm hoàn thành hồ sơ đề nghị bảo đảm tài chính để thi hành án gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền để xem xét, cấp kinh phí bảo đảm thi hành án[xi]. Sau khi nhận được kinh phí, cơ quan, tổ chức phải thi hành án phải tiến hành các thủ tục thanh toán tiền thi hành án cho người được thi hành án thông qua cơ quan thi hành án để thanh toán cho người được thi hành án[xii].
2. Việc tổ chức thi hành những bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường sau ngày 01/7/2018 Luật TNBTCNN 2017 có hiêu lực
2.1. Đối với cơ chế cấp và chi trả tiền bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017
So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định mở rộng các trường hợp người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường. Cụ thể là trong các trường hợp sau đây: (1) Người yêu cầu bồi thường chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường[xiii]; (2) Người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại[xiv]; (3) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó[xv]; (4) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường[xvi]; (5) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành[xvii]; (6) Kết hợp yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính[xviii].
So với 03 trường hợp mà Luật TNBTCNN năm 2009 quy định, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định thêm 03 trường hợp mà người yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường. Cụ thể các trường hợp sau: (1) yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ bồi thường và chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự; (2) yêu cầu bồi thường sau khi cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết nhưng thương lượng không thành theo thủ tục tố tụng dân sự và (3) kết hợp yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự.
Như vậy, với quy định mở như trên thì cần lưu ý những bản án, quyết định có nội dung giải quyết bồi thường của Tòa án được thụ lý kể từ ngày 01/7/2018, thuộc phạm vi TNBTCNN của Luật TNBTCNN năm 2017 thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án, cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường được thực hiện theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017. Theo đó, khoản 1 Điều 54 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định về việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường như sau: “Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho người yêu cầu bồi thường theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường”. Do đó, sau khi có bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện thủ tục cấp kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.
Về kinh phí bồi thường, Luật TNBTCNN năm 2017 cũng quy định tương tự như Luật TNBTCNN năm 2009. Theo đó, trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh. Tuy nhiên, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường[xix].
Về cấp kinh phí bồi thường và thực hiện chi trả tiền bồi thường, Luật TNBTCNN năm 2017 quy định sau khi bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền để đề nghị cấp kinh phí bồi thường[xx]. Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải thực hiện chi trả tiền bồi thường cho người yêu cầu bồi thường[xxi].
2.2. Đối với cơ chế bảo đảm tài chính để thi hành án
Với những quy định mới về các trường hợp người yêu cầu bồi thường có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong Luật TNBTCNN năm 2017 như trên thì việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường kể từ ngày 01/7/2018 cần tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn[xxii].
Như vậy, đối với những bản án, quyết định có nội dung giải quyết bồi thường của Tòa án được thụ lý kể từ ngày 01/7/2018, thuộc phạm vi TNBTCNN của Luật TNBTCNN năm 2017 thì việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án, cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường được thực hiện theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017. Đối với những bản án, quyết định có nội dung giải quyết bồi thường của Tòa án được thụ lý kể từ ngày 01/7/2018 nhưng không thuộc phạm vi TNBTCNN của Luật TNBTCNN năm 2017 thì không có căn cứ giải quyết theo Luật TNBTCNN năm 2017. Theo đó, trường hợp bên có nghĩa vụ thi hành án thuộc diện được bảo đảm tài chính và đủ điều kiện bảo đảm tài chính để thi hành án theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC thì thủ tục thực hiện bảo đảm tài chính để thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS.
Tóm lại, trong thời gian tới khi Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2018, cơ quan THADS với vai trò là cơ quan tổ chức thi hành án cần lưu ý việc áp dụng thống nhất pháp luật về TNBTCNN và pháp luật của THADS về bảo đảm tài chính để việc thi hành những bản án, quyết định của Tòa án có nội dung giải quyết bồi thường được thực hiện đúng pháp luật. Đồng thời, việc áp dụng thống nhất pháp luật này cũng bảo đảm ngân sách nhà nước được sử dụng và chi trả đúng quy định.
Ths. Lê Thị Thu Hằng, Cục Bồi thường nhà nước
 
[i] Điều 39 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/07/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
[ii] Điều 22 và Điều 24 Luật TNBTCNN năm 2009.
[iii] Điều 24 Luật TNBTCNN năm 2009.
[iv] Điều 22 Luật TNBTCNN năm 2009.
[v] Điều 24 Luật TNBTCNN năm 2009.
[vi] Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2009, Điều 3 Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 09/5/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
[vii] Điều 54 của Luật TNBTCNN năm 2009, Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 09/5/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Điều 18 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP ngày 07/12/2015 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS.
[viii] Bộ Tư pháp (2014), Sổ tay nghiệp vụ giải quyết bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự, Ths Nguyễn Thanh Tịnh (chủ biên), NXB Tư pháp, Trang 41.
[ix] Điều 65 Luật THADS; Điều 39 Nghị định 62/2015/NĐ-CP; Điều 1, Điều 2, Điều 6 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.
[x] Điều 7 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.
[xi] Điều 8 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.
[xii] Điều 9 Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BTP-BTC ngày 10/6/2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.
[xiii] Điểm a, khoản 1 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017.
[xiv] Điểm b, Khoản 1 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017.
[xv] Khoản 2 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017.
[xvi]Khoản 2 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017.
[xvii] Khoản 2 Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017.
[xviii] Khoản 4 Điều 4 và khoản 1 Điều 55 Luật TNBTCNN năm 2017.
[xix] Điều 60 Luật TNBTCNN năm 2017.
[xx] Khoản 1 Điều 62 Luật TNBTCNN năm 2017.
[xxi] Khoản 5 Điều 62 Luật TNBTCNN năm 2017.
[xxii] Khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.