Cải cách hành chính năm 2016: Cần nghiên cứu, thống nhất thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan THADS

14/02/2016

Trong thời gian qua, các chương trình cải cách hành chính của Chính phủ luôn đặt yêu cầu “công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp”, “nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính” và “bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước” là một trong những mục tiêu hàng đầu, cơ bản và xuyên suốt. Một bước cụ thể hóa các mục tiêu này là ngày 25 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg Ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước tại địa phương. Bài viết này tập trung phân tích việc triển khai cơ chế một cửa tại các cơ quan thi hành án dân sự nhằm làm sâu sắc hơn nhận thức về tính cấp bách của yêu cầu thống nhất thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan thi hành án dân sự.

1.Cơ quan thi hành án dân sự với việc áp dụng cơ chế một cửa

Cơ chế một cửa là cách thức giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước trong việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước. Tại các địa phương, có nhiều cơ quan áp dụng cơ chế một cửa, trong đó có “các cơ quan của Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương”. Như vậy, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự là các cơ quan hành chính địa phương thuộc phạm vi áp dụng cơ chế một cửa theo quy định của Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg.

Ngày 26 tháng 8 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1557/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực thi hành án dân sự thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp gồm 11 thủ tục hành chính cấp trung ương, 25 thủ tục hành chính cấp tỉnh và 24 thủ tục hành chính cấp huyện, đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng để thông qua cơ chế một cửa, thể hiện tính công khai, minh bạch, chính xác của các cơ quan thi hành án dân sự.

Cơ chế một cửa tại các cơ quan hành chính nhà nước nói chung, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự nói riêng phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc, bao gồm (1) Niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính tại Quyết định công bố thủ tục hành chính, (2) Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức; việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ tại một cơ quan chuyên môn, (3) Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, và (4) Việc thu phí, lệ phí của cá nhân, tổ chức được thực hiện theo đúng quy định.

Quy trình thực hiện cơ chế một cửa gồm các bước cơ bản sau:

Bước 1. Tiếp nhận hồ sơ

- Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính theo quy định;

- Công chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ: Trường hợp hồ sơ không thuộc phạm vi giải quyết thì hướng dẫn để cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cụ thể theo mẫu Phiếu hoàn thiện hồ sơ;

- Công chức tiếp nhận hồ sơ nhập vào Sổ theo dõi hồ sơ và phần mềm quản lý điện tử (nếu có); lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả;

- Trường hợp công chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được phân công giải quyết hồ sơ thì nhập vào Sổ theo dõi hồ sơ và phần mềm điện tử (nếu có):

Theo quy định, đối với hồ sơ quy định giải quyết và trả kết quả ngay thì không phải lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Trong trường hợp này, công chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức. Đối với hồ sơ quy định có thời hạn giải quyết, công chức lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức.

Bước 2. Chuyển hồ sơ

- Sau khi tiếp nhận hồ sơ theo quy định, công chức lập Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ theo mẫu;

- Chuyển hồ sơ và Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ cho cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết. Phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ được chuyển theo hồ sơ và lưu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Bước 3. Giải quyết hồ sơ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan, tổ chức phân công cán bộ, công chức giải quyết như sau:

Trường hợp không quy định phải thẩm tra, xác minh hồ sơ thì công chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định và chuyển kết quả giải quyết hồ sơ cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Trường hợp có quy định phải thẩm tra, xác minh hồ sơ thì công chức báo cáo người có thẩm quyền phương án thẩm tra, xác minh và tổ chức thực hiện. Quá trình thẩm tra, xác minh phải được lập thành hồ sơ và lưu tại cơ quan giải quyết.

Đối với hồ sơ qua thẩm tra, xác minh đủ điều kiện giải quyết thì công chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định và chuyển kết quả giải quyết hồ sơ cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đối với hồ sơ qua thẩm tra, xác minh chưa đủ điều kiện giải quyết thì công chức báo cáo cấp có thẩm quyền trả lại hồ sơ kèm theo thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do, nội dung cần bổ sung. Thời gian mà cơ quan, tổ chức đã giải quyết lần đầu được tính trong thời gian giải quyết hồ sơ.

Đối với các hồ sơ sau khi thẩm định không đủ điều kiện giải quyết, công chức báo cáo cấp có thẩm quyền trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không giải quyết hồ sơ. Thông báo được nhập vào mục trả kết quả trong Sổ theo dõi hồ sơ. Thời hạn thông báo phải trong thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định;

Đối với các hồ sơ quá hạn giải quyết, cơ quan, tổ chức giải quyết hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức, trong đó ghi rõ lý do quá hạn, thời hạn trả kết quả.

Bước 4. Trả kết quả giải quyết hồ sơ

Công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhập vào Sổ theo dõi hồ sơ và phần mềm điện tử và thực hiện như sau:

- Các hồ sơ đã giải quyết xong: Trả kết quả giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức và thu phí, lệ phí (nếu có); trường hợp cá nhân, tổ chức đã đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính thì việc trả kết quả, thu phí, lệ phí (nếu có) và cước phí được thực hiện qua dịch vụ bưu chính theo quy định;

- Đối với hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết: Liên hệ với cá nhân, tổ chức để yêu cầu bổ sung hồ sơ theo thông báo của cơ quan, tổ chức giải quyết hồ sơ và văn bản xin lỗi của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (nếu là lỗi của công chức khi tiếp nhận hồ sơ);

- Đối với hồ sơ không giải quyết: Liên hệ với cá nhân, tổ chức để trả lại hồ sơ kèm theo thông báo không giải quyết hồ sơ;

- Đối với hồ sơ quá hạn giải quyết: Thông báo thời hạn trả kết quả lần sau và chuyển văn bản xin lỗi của cơ quan, tổ chức làm quá hạn giải quyết cho cá nhân, tổ chức;

- Đối với hồ sơ giải quyết xong trước thời hạn trả kết quả: Liên hệ để cá nhân, tổ chức nhận kết quả;

Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa đến nhận hồ sơ theo giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả thì kết quả giải quyết hồ sơ được lưu giữ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Kinh phí thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan hành chính nhà nước nói chung, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự nói riêng do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được cấp có thẩm quyền giao theo phân cấp ngân sách nhà nước.

Trách nhiệm và kết quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác hàng năm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp và của cán bộ, công chức.

2. Một số điều kiện cần thiết để cơ quan thi hành án dân sự triển khai cơ chế một cửa

Để triển khai cơ chế một cửa tại các Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự, cần tập trung chuẩn bị một số điều kiện cơ bản sau:

Thứ nhất, tạo nhận thức thống nhất về việc triển khai cơ chế một cửa trong các cơ quan thi hành án dân sự. Có thể nói, những lợi ích kinh tế - xã hội to lớn của cơ chế một cửa trong cải cách hành chính mang lại cho người dân trong nhiều năm qua là rất đáng khích lệ, thể hiện một tinh thần công khai hóa, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, giảm thời gian đáng kể cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao và giám sát tốt hơn trách nhiệm của công chức, chuyển đổi mạnh mẽ hơn từ tư duy, cơ chế xin cho sang cơ chế phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai trong mỗi hệ thống chuyên ngành luôn có những yếu tố đặc thù cụ thể, đòi hỏi phải có nhận thức thống nhất, sâu sắc và đầy đủ hơn về nội dung này.

Thứ hai, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế về tổ chức và vận hành cơ chế một cửa tại các Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự. Theo quy định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm “công bố thủ tục hành chính về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý”,giao nhiệm vụ hoặc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc hướng dẫn thực hiện thủ tục giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức và công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị” và “chỉ đạo các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương thực hiện cơ chế một cửa”. Cũng theo quy định, “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc thực hiện theo quy định của cơ quan chủ quản”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Tư pháp nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất cơ chế một cửa tại các cơ quan thi hành án dân sự.

Thứ ba, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chính là đầu mối tập trung hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức để chuyển đến các phòng chuyên môn hoặc cấp có thẩm quyền giải quyết và nhận, trả kết quả cho cá nhân, tổ chức. Chính vì vậy, cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ cấu Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự theo hướng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Cục Thi hành án dân sự thuộc tổ chức bộ máy thuộc Văn phòng Cục và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Văn phòng Cục; tại các Chi cục, Chi cục trưởng có trách nhiệm tổ chức bộ phận một cửa gồm một số công chức do lãnh đạo Chi cục phụ trách công tác văn phòng chỉ đạo thực hiện.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đảm bảo đủ về số lượng và có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp đáp ứng yêu cầu công việc, đây là những công chức có phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, có tác phong, thái độ chuẩn mực, có khả năng giao tiếp tốt với người dân và doanh nghiệp. Công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các Cục phải chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Chánh Văn phòng Cục.

Thứ năm, đầu tư, đảm bảo diện tích làm việc, trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo tiêu chuẩn chung. Vị trí bộ phận một cửa phải được đặt tại vị trí trang trọng của các Cục, Chi cục, thuận tiện cho cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính. Tổng diện tích làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải dành khoảng 50% diện tích để bố trí nơi ngồi chờ cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch. Trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải đảm bảo đạt mức tối thiểu, bao gồm: có máy vi tính, máy photocopy, máy fax, máy in, điện thoại cố định, ghế ngồi, bàn làm việc, nước uống, quạt mát hoặc máy điều hòa nhiệt độ và các trang thiết bị cần thiết khác.

3. Kiến nghị, đề xuất

Trong thời gian qua, nhiều ngành đã mạnh dạn đẩy mạnh các nội dung cải cách hành chính nói chung, tổ chức vận hành cơ chế một cửa nói riêng, qua đó, thể hiện một tinh thần phục vụ nhân dân nghiêm túc hơn, từng bước minh bạch hóa, tích cực hơn trong phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, từ đó mang lại uy tín và một hình ảnh đẹp hơn cho cơ quan hành chính. Một số điểm sáng cải cách hành chính trong thời gian qua cần phải kể đến là các ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Từ ngày 01/7/2007, cơ chế một cửa đã được triển khai đồng loạt tại các cơ quan thuế 64 tỉnh, thành. Thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục có công văn chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Các cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đang tích cực triển khai cơ chế một cửa tại các địa phương.

Tại tại Hội nghị triển khai Quyết định 09/2015/QĐ-TTg do Bộ Nội vụ tổ chức vào ngày 18/5/2015, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, thời gian qua, thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đã góp phần làm thay đổi một bước mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, tổ chức theo hướng hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với cơ quan hành chính, giảm được tình trạng công dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan, nhiều cấp hành chính để giải quyết công việc. Việc triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một của liên thông gắn liền với đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền. Để nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp, ngày 25/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 93/2007/TTg ngày 22/6/2007 về Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Quyết định số 09/QĐ-TTg là quy định khung để các ngành, địa phương lấy đó làm căn cứ, cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong quá trình triển khai, để đảm bảo phù hợp với thực tế, các địa phương có thể quy định thêm nhưng không được trái với quy định trong Quyết định số 09/QĐ-TTg để đảm bảo tính linh hoạt nhưng vẫn đúng quy định của pháp luật.

Với những phân tích nêu trên, việc nghiên cứu, tiến tới thống nhất thực hiện cơ chế một cửa tại các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự cho phù hợp với mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động cụ thể, đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự là hết sức cần thiết. Có thể khẳng định, một tư duy và tác phong phục vụ nhân dân tốt hơn, một cơ chế vận hành công khai, minh bạch và hiệu quả hơn từ cơ chế một cửa sẽ mang lại một sự hài lòng và tin tưởng lớn hơn vào các cơ quan thi hành án dân sự trong mỗi người dân và doanh nghiệp./.

                                       Ths. Nguyễn Xuân Tùng

                               Chánh Văn phòng Tổng cục THADS