Kinh nghiệm giám sát xã hội đối với hoạt động bảo vệ môi trường ở một số quốc gia trên thế giới

11/08/2014
1. Khái quát
Giám sát xã hội đối với hoạt động bảo vệ môi trường ở nhiều quốc gia phát triển là một trong những hoạt động khá có bề dày lịch sử. Hoạt động này gắn liền với sự xuất hiện các hội và phong trào bảo vệ môi trường từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở các quốc gia phát triển (nhất là các quốc gia đang tiến hành mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và đang gặp nhiều vấn đề về môi trường như Anh, Mỹ v.v.).

Từ góc nhìn của chính trị học, các hội bảo vệ môi trường thường được gọi là các nhóm vận động và gây áp lực để bảo vệ những lợi ích cụ thể nhất định (interest groups). Các nhóm này có thiên chức chủ yếu là chuyển tải những mối quan ngại của người dân (công chúng), cộng đồng về một vấn đề hoặc nhóm vấn đề cụ thể nào đó lên các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết vấn đề (lên Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương v.v.).[1] Các hội, nhóm như vậy sử dụng rất nhiều kênh khác nhau để tiếng nói của nhóm được lắng nghe và được hiện thực hóa vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật của quốc gia. Những kênh cơ bản phải kể đến gồm: truyền thông báo chí (góp phần kiến tạo dư luận hoặc thu hút sự chú ý của dư luận về vấn đề mà hội, nhóm theo đuổi), các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách (bao gồm Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, tòa án v.v.). Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy, chính sách công trong các lĩnh vực (nhất là các lĩnh vực như bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường v.v.) là sản phẩm tương tác của bộ ba có cấu kết chặt chẽ với nhau (còn gọi là “tam giác sắt” - iron triangles) là: (1) các hội, nhóm vận động xã hội trong lĩnh vực; (2) bộ quản lý ngành trong lĩnh vực có liên quan và (3) ủy ban chuyên trách của Quốc hội về lĩnh vực. Các hội, nhóm có thể sử dụng các hình thức tác động chủ yếu như: vận động hành lang (cung cấp thông tin, thảo luận với các nhà hoạch định chính sách), cung cấp thông tin cho báo chí để tạo dư luận hoặc thu hút sự quan tâm của dư luận. Ở những quốc gia chấp nhận cơ chế khởi kiện tập thể (class action, chẳng hạn ở Hoa Kỳ, Canada v.v.), các hội, nhóm hoạt động xã hội còn có thể trực tiếp đứng ra tiến hành khởi kiện tập thể hoặc bảo trợ cho tổ chức, cá nhân tiến hành khởi kiện tập thể. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, sự thành công trong hoạt động của các nhóm, hội như vậy phụ thuộc vào 4 yếu tố chính là: (1) tính hợp pháp trong hoạt động của hội, nhóm; (2) số lượng thành viên và sự tích cực trong hoạt động của các thành viên; (3) nguồn lực về tài chính, quan hệ, thông tin mà hội, nhóm có được hoặc có thể huy động được và (4) khả năng sử dụng các biện pháp chế tài, trả đũa đối với các đối tượng không hành xử theo hướng mà hội, nhóm mong muốn (chẳng hạn tẩy chay tiêu thụ hàng hóa, đình công v.v.).

2. Thực tiễn

Trong thực tế, hầu hết các hội bảo vệ môi trường ở các nước phát triển đều tận dụng tối đa vị thế là các hội, nhóm vận động, gây áp lực và giám sát xã hội của mình để thúc đẩy việc bảo vệ các lợi ích nhất định về môi trường. Chẳng hạn, Tổ chức Bảo vệ môi trường vương quốc Anh (Environmental Protection UK)[2] có tổ chức tiền thân được thành lập từ năm 1898. Đây là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động ở quy mô toàn quốc được thành lập với mục đích cung cấp các phân tích và tư vấn chính sách chuyên nghiệp về các vấn đề như chất lượng không khí, chất lượng đất, việc quản lý chất thải, tiếng ồn và tác động của những thứ này lên cuộc sống của con người và cộng đồng (từ các khía cạnh như sức khỏe cộng đồng, giao thông, năng lượng, khí hậu). Tổ chức này cũng cung cấp các diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, giới nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi, hợp tác vì mục tiêu bảo vệ môi trường. Hiện tại, chỉ tính riêng ở Anh đã có hàng chục tổ chức bảo vệ môi trường với nhiều tên gọi khác nhau được thành lập, trong số đó phải kể đến các tổ chức như: Campaign to Protect Rural England (Vận động để bảo vệ nông thôn nước Anh), ClientEarth, Earth Trust, Healthy Planet (Hành tinh khỏe mạnh), the Environment Network for Manchester, Friends of Richmond Park (Hội những người bạn của Công viên Richmond), Waste Watch (Tổ chức Theo dõi chất thải) v.v.

Ở Hoa Kỳ cũng có hàng trăm loại tổ chức xã hội (phi lợi nhuận) khác nhau được thành lập với mục đích bảo vệ môi trường (hoặc bảo vệ một thành tố môi trường nào đó). Các tổ chức có ảnh hưởng lớn nhất bao gồm Defenders of Wildlife (Hội những người bảo vệ động vật hoang dã), “Quỹ bảo vệ vệ môi trường” (Environmental Defense Fund), Liên đoàn đời sống hoang dã quốc gia (National Wildlife Federation), Hội những người bạn của trái đất (Friends of the Earth) v.v.[3] Các hội bảo vệ môi trường này thu hút được hàng trăm ngàn hội viên tham gia ủng hộ cho các hoạt động của Hội. Hoạt động chủ yếu của các tổ chức xã hội này là vận động hành lang, cung cấp thông tin, gây áp lực, ảnh hưởng tới việc xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Hầu hết các hội bảo vệ môi trường này được thành lập trước năm 1960.[4] Các hội này đã thu hút được hàng triệu hội viên tham gia. Số lượng hội viên trong các hội bảo vệ môi trường ở Hoa Kỳ hiện nay cụ thể như sau:[5]

 

Hội

 

Năm thành lập

Lượng hội viên

Năm 1995

Năm 2010

Siera Club

1892

570.000

1.300.000

National Audubon Society

1905

570.000

500.000

National Parks Conservation Association

1919

450.000

325.000

Wilderness Society

1935

310.000

400.000

National Wildlife Federation

1961

1.200.000

4.000.000

Nature Conservancy

1951

825.000

1.000.000

World Wildlife Fund

1961

1.200.000

1.200.000

Environmental Defense

1967

300.000

500.000

Natural Resources Defense Council

1970

185.000

1.200.000

Hội những người bạn của Trái đất tại Hoa Kỳ rất tích cực trong việc giám sát, vận động chính phủ thông qua các chính sách có lợi cho môi trường. Chẳng hạn, hiện tại Hội đang tập trung vào 4 lĩnh vực chính:

- Dự án khí hậu và năng lượng (Climate and Energy Project): Với mục tiêu xóa bỏ những khoản trợ cấp đối với các hoạt động gây hại cho môi trường, gây hại cho sức khỏe cộng đồng và gây hại cho tài nguyên thiên nhiên với lý lẽ rằng không thể dùng tiền thuế của dân để cổ vũ cho các hoạt động gây hại cho môi trường (cũng là gây hại cho dân). Dự án cũng hướng tới việc cổ vũ cho các giải pháp chống hiện tượng ấm nóng toàn cầu, cải cách việc quản lý các lò phản ứng hạt nhân và cải cách hạ tầng giao thông.

- Dự án Thực phẩm và Năng lượng (Food and Technology Project): Dự án này được triển khai để cổ vũ cho việc bảo đảm thực phẩm an toàn và bảo đảm cho các sản phẩm chăm sóc con người là an toàn, giáo dục công chúng về vấn đề an toàn hóa học và an toàn công nghệ sinh học. 

- Dự án về Đại dương và Giao thông trên đại dương (Ocean and Vessels Project): Dự án này được triển khai với nỗ lực làm giảm các loại thiệt hại cho môi trường biển từ các loại tàu chở hàng thương mại, các hoạt động giao thông hàng hải và đường thủy.

- Dự án về chính sách kinh tế (Economic Policy Project): dự án này được tiến hành nhằm bảo đảm rằng những quan ngại về môi trường phải được tích hợp để coi là một phần của hệ thống thương mại toàn cầu và đề cao trách nhiệm quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường.

Cho tới nay, nhờ sự hoạt động tích cực của các hội viên, Hội đã thu được nhiều thành quả hoạt động đáng ghi nhận như: Hội đã vận động và thuyết phục để Quốc hội đưa vào chương trình giám sát của mình đối với việc chính phủ cấp các khoản tín dụng liên bang dành cho các chương trình năng lượng hạt nhân. Hội cũng đã gây áp lực để buộc Chính phủ của Tổng thống Bush phải xây dựng và công bố báo cáo về hiện tượng ấm nóng toàn cầu nhờ một vụ kiện vào năm 2006 với cáo buộc chính phủ của Bush đã không tuân thủ đầy đủ một đạo luật được ban hành năm 1990 về việc chính phủ phải xây dựng và công bố các báo cáo khoa học về hiện tượng ấm nóng toàn cầu. Kết quả là, Tòa án liên bang đã nhất trí xác nhận chính phủ của Tổng thống Bush có sự vi phạm như vậy (vi phạm Luật nghiên cứu về những thay đổi toàn cầu ban hành năm 1990 – the Global Change Research Act of 1990). Dưới áp lực ấy, Chính phủ của Tổng thống Bush đã phải công bố báo cáo về hiện tượng ấm nóng toàn cầu và ghi nhận quan điểm mà nhiều nhà khoa học đã khẳng định từ rất lâu rằng các khí gây hiệu ứng nhà kính được thải ra từ các nhiên liệu hóa thạch rất có khả năng là nguyên nhân lớn nhất của hiện tượng ấm nóng toàn cầu. Hội cũng đã vận động chính quyền ở California để thông qua chính sách hạn chế việc phát thải chất gây ô nhiễm từ các loại tàu thuyền ở các khu vực đông dân cư, theo đó, các loại tầu thuyền cũ sẽ buộc phải thay thế các loại động cơ gây ô nhiễm của mình bằng loại động cơ thân thiện hơn với môi trường. Hội cũng đã vận động để đưa quy định về bảo vệ môi trường vào các hiệp định tự do mà Hoa Kỳ ký với các nước (chẳng hạn đưa các quy định về chống phá rừng trái phép trong Hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và Peru). Hội cũng vận động 10 ngân hàng lớn nhất toàn cầu không cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án đập thủy điện lớn gây thiệt hại cho môi trường.

Như vậy, có thể thấy, các hội bảo vệ môi trường ở các nước phát triển đã khá tích cực và có nhiều điều kiện để tiến hành các hoạt động giám sát xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều đáng lưu ý là các hội bảo vệ môi trường có sự vận động rất tích cực và sử dụng nhiều công cụ, phương tiện, kênh gây ảnh hưởng khác nhau để thực hiện mục tiêu, sứ mệnh của mình. Những chiến lược vận động, giám sát xã hội cụ thể của các hội này bao gồm:

- Trực tiếp tiến hành các vận động hành lang để yêu cầu các cơ quan trong chính quyền kịp thời thay đổi các chính sách không phù hợp.

- Trực tiếp dự thảo các chính sách và quy định để đệ trình cho các cơ quan trong chính quyền nhằm hỗ trợ cho các nghị sỹ hoặc các cơ quan chuyên môn có thêm sự ủng hộ trong việc thay đổi chính sách, pháp luật hiện hành mà các hội cho rằng không còn phù hợp.

- Tiến hành các nghiên cứu và công bố báo cáo nghiên cứu để gây chú ý và tác động tới nhận thức trong xã hội.

- Tham gia các phiên điều trần hoặc tham gia các hội thảo, hội nghị ở các cơ quan, ở các ủy ban của Quốc hội để kịp thời nêu tiếng nói của mình, cung cấp thông tin.

- Tiến hành khởi kiện các cơ quan trong chính quyền đã không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật quy định buộc phải chấp hành.

- Liên kết với các hội bảo vệ môi trường hoặc các hội khác có liên quan để tăng sức mạnh cho tiếng nói của hội.

- Truyền thông, tăng cường nhận thức cho hội viên, cho công chúng về vấn đề mà hội quan tâm.

- Liên hệ với báo chí để cung cấp thông tin, đồng hành với báo chí để phản ánh vấn đề mà hội quan tâm.[6]

Ở tầm quốc tế, với sự nỗ lực của nhiều nước nhất là các quốc gia châu Âu, Liên hợp quốc đã xây dựng được Công ước Aarhus năm 1998 (Aarhus Convention) quy định về quyền của công chúng tham gia vào quá trình quản trị môi trường sống. Tên đầy đủ của Công ước này là “Công ước về quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia của công chúng vào quá trình ra quyết định và quyền tiếp cận công lý trong các vấn đề về môi trường” (Convention on Access to Information, Public Participation in Decision-making and Access to Justice in Environmental Matters).[7] Các quy định của công ước dựa trên 3 trụ cột cơ bản là: (1) quyền tiếp cận thông tin về môi trường (theo đó, mọi công dân đều có quyền tiếp cận một cách rộng rãi và dễ dàng các thông tin về hiện trạng môi trường. Các cơ quan công quyền có trách nhiệm cung cấp các thông tin môi trường mà người dân yêu cầu, thu thập và phổ biến các thông tin này một cách kịp thời và minh bạch, ngoại trừ các thông tin liên quan tới quốc phòng, an ninh quốc gia); (2) quyền tham gia của công chúng vào quá trình ra quyết định quản trị môi trường (theo đó, công chúng phải được thông tin về tất cả các dự án có liên quan và có cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định quản trị môi trường và quá trình hoạch định chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường); (3) quyền tiếp cận công lý (tức là quyền tiếp cận các biện pháp tư pháp hoặc hành chính khi có chủ thể vi phạm pháp luật môi trường).[8]

3. Một số gợi ý từ kinh nghiệm quốc tế

Một số nét khái quát về hoạt động giám sát xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở một số quốc gia và ở tầm quốc tế vừa nêu có thể đưa lại nhiều gợi ý quan trọng đối với Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực giám sát xã hội về bảo vệ môi trường cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc thúc đẩy, khuyến khích giám sát xã hội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung trong bảo vệ môi trường ở các nước.

Thứ hai, chủ thể trọng tâm trong giám sát xã hội về bảo vệ môi trường chính là các tổ chức xã hội quan tâm tới lĩnh vực bảo vệ môi trường trong đó phải kể tới các tổ chức chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị và các hội bảo vệ môi trường.

Thứ ba, giám sát xã hội về bảo vệ môi trường cần một hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực môi trường tiến hành các hoạt động của mình. Hành lang pháp lý ấy phải tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức xã hội này thực hiện được nhiều hình thức hoạt động khác nhau trong đó có việc truyền thông nâng cao ý thức của công chúng, tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, thực hiện các hoạt động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức các hội thảo, hội nghị, tham gia các phiên điều trần, chất vấn và thậm chí có thể tiến hành khởi kiện.

Thứ tư, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, để các hoạt động giám sát xã hội được tiến hành thuận lợi, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là công dân, các tổ chức xã hội phải được quyền tiếp cận thông tin về môi trường một cách thuận lợi, dễ dàng. Ngoài ra, cơ chế để bảo đảm cho người dân, các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình ra quyết định quản trị môi trường cũng rất quan trọng.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua, thay thế cho Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 ghi nhận đầy đủ hơn chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và đề cao hơn vai trò giám sát xã hội trong bảo vệ môi trường. Việc triển khai các quy định của Luật tất yếu đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế giám sát xã hội đối với hoạt động bảo vệ môi trường trong đó những kinh nghiệm quốc tế vừa nêu là những điều rất nên được tham khảo. 

                                                    TS. Nguyễn Văn Cương

                             Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
 


[1] Rod Hague and Martin Harrop, Political Science, 6th ed. (Hampshire, UK: Palgrave Macmillan, 2010) at 227-245.

[2] <http://www.environmental-protection.org.uk/>

[3]<http://en.wikipedia.org/wiki/Environmental_movement_in_the_United_States>

[4] Jacqueline Vaughn, Environmental Politics, 6th ed. (Wadsworth, 2011) at 35.

[5] Jacqueline Vaughn, Environmental Politics, 6th ed. (Wadsworth, 2011) at 36.

[6] William T. Bianco and David T. Canon, American Politics Today, Essential 3rd ed. (New York: W.W.Norton & Company, 2013) at 228-253.

[7] <https://treaties.un.org/pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=XXVII-13&chapter=27&lang=en>

[8] <http://en.wikipedia.org/wiki/Aarhus_Convention>