Nên quy định thời hiệu khởi kiện như thế nào cho hợp lý

16/04/2014
Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về thời hiệu khởi kiện, theo đó, nếu các bên đương sự trong quan hệ dân sự không khởi kiện hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết trong thời hạn luật định thì sẽ mất quyền được Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì  thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm; còn thời hiệu yêu cầu để Toà án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

Dự thảo Bộ luật Dân sự đang sửa đổi theo hướng bỏ hẳn quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu. Theo đó, Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi dự kiến quy định hai loại thời hiệu là thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu hưởng quyền dân sự. Thời hiệu khởi kiện sẽ không quy định lại trong Bộ luật Dân sự sửa đổi. Khi người dân khởi kiện vụ việc dân sự thì không phụ thuộc vào thời hiệu khởi kiện. Tòa phải thụ lý, giải quyết trên cơ sở thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Về thời điểm bắt đầu thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ, nên sửa đổi theo nguyên tắc được tính từ ngày bên có quyền biết hoặc phải biết bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ. Ngoài ra, đối với thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu cần quy định rõ về việc giao dịch được công nhận có hiệu lực khi hết thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu mà không có yêu cầu; đồng thời sửa đổi, bổ sung về thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu theo giải pháp tính từ ngày chủ thể biết hoặc buộc phải biết có hành vi vi phạm dẫn tới hành vi pháp lý vô hiệu.

Tuy nhiên, việc có nên hay không nên quy định thời hiệu khởi kiện trong pháp luật dân sự cũng đang là vấn đề được các nhà làm luật cũng như các nhà khoa học pháp lý bàn luận với nhiều quan điểm khác nhau.

Thứ nhất, quan điểm giữ nguyên quy định thời hiệu khởi kiện

Một số ý kiến cho rằng, nên tiếp tục kế thừa quy định về thời hiệu khởi kiện nhằm nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc yêu cầu Nhà nước bảo vệ quyền lợi cho mình, đồng thời không tạo áp lực cho Tòa án khi giải quyết những vụ việc đã xảy ra từ lâu, khó thu thập chứng cứ, khó xác minh nội dung khiến cho việc thụ lý, giải quyết án của Tòa án không đạt được hiệu quả mà nhiều khi còn phát sinh tác dụng ngược lại. Hơn nữa, mọi tranh chấp về dân sự phải được giải quyết càng nhanh càng tốt. Một tranh chấp cứ kéo dài mãi mà không được giải quyết, không biết lúc nào dừng thì không ai có thể tập trung làm các việc khác.

Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện theo quy định hiện nay là quá ngắn. Chính vì thời hiệu ngắn mà trong một số trường hợp vì người dân không hiểu biết pháp luật đã bị tước mất quyền lợi của mình. Ngoài ra, pháp luật cũng làm ảnh hưởng đến phong tục tập quán của dân ta. Quan điểm này nhận được nhiều ý kiến đồng tình, vẫn cần quy định thời hiệu, vấn đề là kéo dài bao lâu. Theo quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần kéo dài thêm thời hiệu khởi kiện đối với một số vụ án từ hai năm như hiện nay lên khoảng 5 - 10 năm để đảm bảo quyền lợi cho dân.

Nếu bỏ hẳn thời hiệu thì sẽ rất khó cho Tòa án. Chẳng hạn, có trường hợp sau 20 năm người dân mới khởi kiện và nhờ Tòa án thu thập chứng cứ, lúc này, Tòa án sẽ rất khó khăn để xác định. Ngoài ra, chắc chắn một điều là khối lượng công việc của Tòa án sẽ nhiều hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc án tồn đọng kéo dài nhiều năm mà không biết khi nào sẽ xử xong.

Thứ hai, quan điểm ủng hộ việc bỏ thời hiệu khởi kiện

Trên thế giới, có nhiều nước cũng không quy định về thời hiệu khởi kiện. Cá nhân tôi cũng bày tỏ sự ủng hộ quan điểm bỏ thời hiệu khởi kiện vì quyền khởi kiện là quyền cơ bản của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự và Tòa án phải có trách nhiệm thụ lý đơn khởi kiện, không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi có yêu cầu, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự mà không đưa ra phán quyết cụ thể, không xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, từ đó không bảo đảm công bằng cho các chủ thể (Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi năm 2011 quy định Tòa án sau khi thụ lý vụ việc mà thấy vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện thì ra quyết định đình chỉ giải quyết). Trong hoàn cảnh không được Nhà nước bảo vệ quyền lợi, các bên có thể tự mình áp dụng những hành xử ngoài vòng pháp luật, sẽ gây mất trật tự xã hội.

Mặt khác, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện được tính bắt đầu từ lúc quan hệ được xác lập là không phù hợp với thực tiễn, không bảo vệ được quyền, lợi ích của bên có thiện chí, ngay tình trong quan hệ dân sự. Vì vậy, thời hiệu cần được tính từ thời điểm bên có quyền biết hoặc phải biết có sự vi phạm điều kiện có hiệu lực hoặc có hành vi vi phạm nghĩa vụ. Vì thế, việc bỏ tất cả các quy định về thời hiệu khởi kiện là hợp lý. 

Ngoài ra, hiện nay, án tồn đọng của Tòa đã được giải quyết khá tốt. Công tác xét xử của Tòa được nâng cao nên đã giảm đáng kể án tồn, án quá hạn. Vì vậy, việc bỏ thời hiệu khởi kiện sẽ không thể khiến án chồng án. Từ đó, cần phải sớm bỏ thời hiệu khởi kiện, đảm bảo nguyên tắc cái gì có lợi cho dân thì làm.

Hiện nay, vẫn đang tồn tại các ý kiến trái chiều về quy định thời hiệu như trên, tới đây, các cơ quan chức năng cần có phương án hợp lý nhất để sửa đổi quy định trên cho phù hợp.

                                                                  Ngọc Trang