Không nên quy định thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam?

25/03/2014

Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 ra đời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo kiều bào, mặc dù sống xa quê hương nhưng bà con vẫn mong muốn được công nhận quốc tịch Việt Nam. Hơn thế nữa, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 còn mang lại những quyền lợi hợp pháp cho kiều bào trong việc giải quyết các thủ tục quốc tịch, hộ chiếu, cư trú, đầu tư, kinh doanh và bảo hộ công dân, qua đó góp phần huy động nguồn lực to lớn của kiều bào vào sự nghiệp chung của đất nước, và làm thay đổi nhìn nhận vai trò của kiều bào. Tuy nhiên, hiện nay, việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đang là một trong những quy định rất đáng chú ý của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

Quy định của pháp luật

Theo Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tính đến trước ngày 1/7/2009 mà không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam thì trong 5 năm kể từ thời điểm trên, họ phải đến đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam; nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch sau ngày 1/7/2014. 

Đối tượng cần phải đăng ký là những người Việt Nam định cư ở nước ngoài từ trước khi Luật năm 2008 có hiệu lực (người Việt Nam ra nước ngoài định cư và nhập quốc tịch nước ngoài sau ngày 1/7/2009 không phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam).

Thủ tục đăng ký giữ quốc tịch hết sức đơn giản. Người đề nghị chỉ cần nộp Tờ khai, giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là được cấp giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam vẫn được cấp giấy xác nhận này nhưng đương sự cần khai lý lịch làm cơ sở cho các cơ quan chức năng trong nước tiến hành xác minh quốc tịch và ghi vào sổ đăng ký.

Cơ quan thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam: Theo Điều 19 Nghị định 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là cơ quan đại diện Việt Nam thường trú hoặc kiêm nhiệm tại nước nơi người đăng ký giữ quốc tịch đang có quốc tịch hoặc đang thường trú. Trường hợp Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao hoặc chưa có cơ quan đại diện thường trú hoặc kiêm nhiệm tại nước mà người đăng ký giữ quốc tịch đang thường trú thì việc đăng ký giữ quốc tịch được thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước thứ ba theo sự ủy quyền của Bộ Ngoại giao.

So với Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998, quy định đăng ký giữ quốc tịch là chế định quan trọng, với mong muốn làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân. Do vậy, Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) và các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai thủ tục này. Quy định này phù hợp với nguyện vọng đông đảo bà con kiều bào, mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng họ thật sự mong muốn vẫn là công dân Việt Nam một cách chính thức trên phương diện pháp lý.

Thực trạng đăng ký giữ quốc tịch

Như vậy, chỉ còn hơn 3 tháng nữa, hàng triệu kiều bào ta ở nước ngoài sẽ đứng trước nguy cơ mất quốc tịch Việt Nam. Vấn đề này đang được các cơ quan chức năng Việt Nam tìm cách tháo gỡ.

Ngay sau khi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn được ban hành, Bộ Ngoại giao đã thông báo nội dung quy định và hướng dẫn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai thực hiện, thống kê mới nhất cho biết, tới nay chỉ có hơn 5.000 người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (0,09%) trong tổng số 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Nếu số kiều bào còn lại không “kịp” đăng ký giữ quốc tịch trước ngày 1/7/2014 thì theo Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, họ sẽ mất quốc tịch Việt Nam và điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước Việt Nam không còn quyền bảo hộ công dân của mình ở nước ngoài.

Nguyên nhân của con số đăng ký giữ quốc tịch thấp hơn mong muốn có thể là do trong thời gian đầu có nhiều người đến tìm hiểu về thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, chủ yếu với nguyện vọng sau khi đăng ký sẽ được cấp hộ chiếu Việt Nam để thuận tiện về Việt Nam thăm thân, mua nhà hoặc về trong nước sinh sống. Nhưng khi được giải thích về giá trị của việc đăng ký giữ quốc tịch, phần lớn bà con đã không còn quan tâm đến thủ tục này hoặc chuyển sang đề nghị cấp hộ chiếu Việt Nam.  

Ngoài ra, người Việt Nam ở nước ngoài chưa thấy việc đăng ký này mang lại lợi ích thiết thực. Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ có giá trị chứng minh người này đã thực hiện thủ tục đăng ký chứ không khẳng định về quốc tịch Việt Nam của họ. Vì thế, giấy xác nhận không có giá trị pháp lý làm cơ sở cho việc cấp phát hộ chiếu, giấy thông hành hoặc các giấy tờ khác. Hơn nữa, một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài không muốn thực hiện thủ tục này có thể vì lo ngại ảnh hưởng tới quy chế cư trú của họ ở nước ngoài hoặc một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa hiểu rõ các quy định của việc đăng ký giữ quốc tịch. 

Còn nhiều ý kiến khác nhau

Thực trạng ít người đăng ký giữ quốc tịch không xuất phát từ việc triển khai thực thi Luật mà từ quy định nội tại của Luật khi “đặt” kiều bào vào thế khó. Đây đang là vấn đề “khá đau đầu” khi mà thời điểm ngày 1/7 sắp cận kề.

Trước nguy cơ nếu không đăng ký giữ quốc tịch thì hàng triệu Việt kiều sẽ mất quốc tịch Việt Nam và Nhà nước ta sẽ mất quyền bảo hộ công dân của mình, có ý kiến cho rằng, phải bỏ quy định đăng ký, nhưng ngược lại cũng có quan điểm là chỉ cần đơn giản hóa hơn thủ tục đăng ký bằng việc sửa đổi văn bản hướng dẫn (ở đây là Nghị định 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam), không được bỏ khoản 2 Điều 13 của Luật vì như vậy là vô hiệu hóa quy định tiến bộ của Luật. Ngoài ra, cần tích cực vận động công dân Việt Nam tôn vinh quốc tịch Việt Nam. 

Nhưng cũng có quan điểm đề nghị phải suy nghĩ căn cơ là tiến hành sửa Luật, cho rằng phải khẩn trương sửa quy định tại Khoản 2 Điều 13 theo thủ tục rút gọn để tạo thuận lợi cho kiều bào, theo quy trình làm luật theo thủ tục rút gọn thì vẫn phải tổng kết thi hành Luật từ khi có hiệu lực đến nay nên phương án hàng đầu sẽ là Bộ Tư pháp báo cáo trình Chính phủ để Chính phủ báo cáo trình Quốc hội vào kỳ họp tới về phương án sửa quy định trên, hoặc báo cáo Quốc hội ra Nghị quyết gia hạn sửa Luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng triệu kiều bào vẫn đang hàng ngày đóng góp xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng, vẫn quy định về đăng ký giữ quốc tịch nhưng vô thời hạn, tạo điều kiện cho cả các thế hệ kiều bào về sau hoặc cho gia hạn từ 3 – 5 năm nữa, sau thời hạn này thì mất quốc tịch Việt Nam. Bởi một thực tế phổ biến là hầu hết bà con không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam và việc xác minh cũng khá bất cập và từ lúc Luật Quốc tịch có hiệu lực đến khi các bộ, ngành chức năng ban hành thông tư hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện mất khoảng 10 tháng. Vì vậy, khoảng thời gian 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của kiều bào bị rút ngắn so với thời gian tương ứng.

Trước các ý kiến trái chiều như trên, nhằm đảo bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho kiều bào, tới đây, các cơ quan chức năng cần có phương án cụ thể để sửa đổi quy định trên cho phù hợp.

Minh Thảo