Đoàn công tác Liên ngành làm việc tại tỉnh Bình Thuận: Ấn tượng tư pháp cấp xã

15/10/2009
Đoàn công tác Liên ngành làm việc tại tỉnh Bình Thuận: Ấn tượng tư pháp cấp xã
Hôm qua (ngày 14/10), Đoàn công tác Liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bình Thuận về công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Cùng ngày, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp và Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Thuận nhằm nắm bắt, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của hai cơ quan này.

Án tuyên khó thi hành

Ông Nguyễn Văn Dự, trưởng THADS tỉnh Bình Thuận cho biết, kết quả THA năm 2009 có dấu hiệu tốt hơn năm 2008, song, công tác nhân sự tại Bình Thuận lại chưa ổn, hiện THADS tỉnh thiếu đến 14 biên chế chưa tuyển được. Đối với án tồn đọng khó thi hành, ông Dự cho rằng do cả nguyên nhân tòa tuyên không khả thi và nguyên nhân người THA không có tài sản... Thậm chí án có điều kiện thi hành nhưng không thi hành được do tài sản đang tranh chấp, nợ nần lẫn nhau, tài sản duy nhất là căn nhà. Ví dụ như trường hợp tòa tuyên chia tài sản là bất động sản cho 3 người nhưng chỉ có vỏn vẹn 4m mặt tiền, chiều sâu hơn 17 mét. Sau khi tòa chia xong, mỗi người chỉ được hơn 1 mét mặt tiền nên cơ quan THA “bó tay”, không thể THA được. Trong khi đó, TANDTC cũng đã có văn bản trả lời “xử” như thế là đúng!? Nhìn chung, hầu hết tỷ lệ THA vẫn chưa thể đạt được chỉ tiêu thi đua do Bộ đề ra, như huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình có tỷ lệ về việc và tiền đạt rất thấp.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhận định, về THA so với chỉ tiêu của Bộ thì Bình Thuận chưa hoàn thành, nhưng so với năm ngoái thì có tiến bộ hơn. Thứ trưởng bày tỏ sự vui mừng khi thấy hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua có dấu hiệu tốt hơn. “Việc nâng cao trình độ chuyên môn cho Sở Tư pháp và THADS là rất cần thiết, bởi công việc của ngành ngày càng nhiều, đòi hỏi ở mỗi cán bộ, công chức nhiều công sức, trí tuệ” - Thứ trưởng nhấn mạnh. Đề cập đến pháp chế sở, ngành, Thứ trưởng cho rằng, làm tốt việc này (pháp chế sở, ngành) thì công tác thẩm định văn bản sẽ dễ dàng hơn.

Ấn tượng tư pháp cấp xã

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc phối hợp giữa Văn phòng UBND tỉnh, cơ quan soạn thảo, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan trong việc soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản QPPL đã được chú trọng thực hiện. UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo: các văn bản QPPL trước khi cơ quan soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành đều được Văn phòng UBND tỉnh thẩm tra, nếu không có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp sẽ trả lại cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp “lọt sổ”. Tỷ lệ lượng văn bản ban hành 6 tháng đầu năm 2009 có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp là 97,5%; 39/40 văn bản ban hành có ý kiến thẩm định. Được biết, từ năm 2004 đến nay, 100% văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành được Sở Tư pháp tự kiểm tra kịp thời. Kết quả tự kiểm tra phát hiện 2 văn bản có sai sót về căn cứ pháp lý ban hành và đã được điều chỉnh ngay.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ băn khoăn là tỉnh cho biết có để “lọt” văn bản. Đây là trách nhiệm của Văn phòng, bởi chưa qua thẩm định mà đã trình ban hành, nếu “lọt” văn bản quan trọng thì “nguy”!.

Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản, Bộ Tư pháp đánh giá cao công tác tổng kết, thống kê công tác văn bản thời gian qua. Theo ông Sơn, Bình Thuận có nhiều “điểm sáng”, điều này đặt ra yêu cầu lớn trong việc giúp chính quyền tỉnh làm tốt mặt thể chế bởi đây là nền tảng giúp việc triển khai bài bản công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra... văn bản QPPL. Đối với pháp chế sở, ngành nếu cứ kiêm nhiệm thì không thể triển khai tốt công tác tham mưu cho chính quyền. Cạnh đó, công tác rà soát, hệ thống hóa phải xem xét từng văn bản QPPL; xem văn bản đó còn hiệu lực toàn phần hay một phần... chứ lập danh mục không thôi thì không thể xem là hệ thống hóa.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cùng đoàn công tác rất ấn tượng với tư pháp cấp xã ở Bình Thuận, nhiều xã có đến 3 cán bộ tư pháp, còn lại đa số 2 cán bộ, đây là một chuyển biến tích cực, trong khi các địa phương khác để có 2 cán bộ ở xã đã rất khó thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhìn nhận văn bản QPPL là công cụ quan trọng của các cấp chính quyền nhằm quản lý, điều chỉnh, chỉ đạo... “Vì vậy, chúng tôi rất xem trọng công tác này” – ông Dũng nói. Ngoài ra, ông Dũng ghi nhận những đề nghị của Đoàn công tác trong việc tạo điều kiện để Sở Tư pháp, THADS cũng như công tác phối hợp của các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.

Phong Trần