Bộ Tư pháp làm việc với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính thống nhất về nội dung chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp

05/10/2009
Trong kế hoạch xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, sáng ngày 05/10/2009, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã chủ trì buổi làm việc với đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ (Vụ Pháp luật), Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế) về vấn đề này. Cùng tham gia buổi làm việc có lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính.

Tại buổi họp, đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thống nhất các nội dung, phương thức hoạt động trong Chương trình để Ban Soạn thảo hoàn chỉnh lần cuối trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ký trình Thủ tướng Chính phủ. Chia sẻ với ý kiến các cơ quan, theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, đây là Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành vì vậy, bên cạnh những hoạt động riêng của Chương trình sẽ triển khai các hoạt động mang tính chuyên ngành. Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cảm ơn sự tham gia và nhiệt tình ủng hộ của các cơ quan. Về cơ bản các ý kiến đều đồng tình với nội dung của dự thảo Chương trình, nhất là Dự án 1 và 2:

Dự án 1: Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Nội dung của dự án này nhằm hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương như các tổ chức pháp chế tại các Sở, ban, ngành thuộc UBND cấp tỉnh [1] và các đơn vị của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để có đủ năng lực thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang triển khai ”Đề án củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước” (ban hành kèm theo Quyết định số 270/QĐ-TTg  ngày 27/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai ”Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009 đến 2012” (ban hành kèm theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ), đây là các hoạt động có liên quan đến Dự án 1, tuy nhiên, đối tượng, phạm vi và nội dung các hoạt động của các Đề án này không trùng lặp với Chương trình. Để tăng cường hiệu quả của các Đề án, sau khi Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được phê duyệt, Ban Chỉ đạo sẽ phối hợp, tận dụng tối đa nguồn lực, lồng ghép các hoạt động của các Đề án với các nội dung của Chương trình để đảm bảo kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nhà nước.

Dự án 2: Thông tin pháp lý cho doanh nghiệp

Trên thực tế, hoạt động thông tin pháp luật cho doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Việc cập nhật, thông tin pháp luật một cách kịp thời có hệ thống sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nắm bắt và tuân thủ, thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần nâng cao ý thức pháp luật, thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của người quản lý doanh nghiệp.

Xuất phát từ nhu cầu nêu trên, Dự án về thông tin pháp luật cho doanh nghiệp gồm các hoạt động: xây dựng, vận hành Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; biên soạn, in ấn tài liệu để phổ biến, cung cấp, cập nhật kiến thức về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; xây dựng, phát sóng chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam và tổ chức các hội thảo, diễn đàn, toạ đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật.

Riêng Dự án 3 và 4, theo ý kiến của các cơ quan, cần nghiên cứu, xử lý và làm điểm trong một số lĩnh vực cụ thể. Cụ thể như:

Một là, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp (pháp luật về hợp đồng; sở hữu, thực hiện quyền sở hữu; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp; xử lý vi phạm pháp luật đối với doanh nghiệp; giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, phá sản, ...);

Hai là, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp nhằm giúp doanh nhân, người quản lý doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực thi tốt pháp luật phục vụ kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Ba là, hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Theo đánh giá của các cơ quan Nhà nước thì hiện nay, hoạt động dịch vụ tư vấn pháp luật còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tại các địa bàn này đa số các doanh nghiệp đều là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, có nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, vì vậy, các doanh nghiệp trên rất khó tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật.

Về tổ chức thực hiện, Chương trình có tính chất liên ngành, được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, do đó cần thành lập Ban Điều hành Chương trình do Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Nội; Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp.

Ngoài ra, về mặt kinh phí đề nghị trong tuần này, đại diện Bộ Tư pháp (lãnh đạo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) trực tiếp phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn chỉnh trước khi trình Bộ trưởng ký trình Thủ tướng Chính phủ.

Trần Minh Sơn


[1] Các tổ chức pháp chế theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ bannhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước.