Đào tạo nguồn nhân lực – giải pháp đột phá trong cải cách tư pháp

29/11/2018
Đào tạo nguồn nhân lực – giải pháp đột phá trong cải cách tư pháp
Ngày 29/11, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội nghị kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp (sau đây viết tắt là CCTP) của Ngành Tư pháp năm 2018. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Ban Chỉ đạo CCTPTW, các đơn vị thuộc Bộ và một số Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh/thành phố.

Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2016-2018, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho biết, thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các Kết luận, Thông báo của Bộ Chính trị, Chương trình trọng tâm CCTP giai đoạn 2016-2021, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và Sở Tư pháp, Thi hành án dân sự các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những nhiệm vụ CCTP thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Trong đó nổi bật là xây dựng và hoàn thiện thể chế về pháp luật hình sự, dân sự, thể chế liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngành. Công tác hoàn thiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực do Bộ quản lý cũng được đẩy mạnh. Năm 2017, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tăng 03 bậc, xếp thứ 6/19 Bộ, ngành được đánh giá.

Bộ cũng đã hoàn thiện tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính cũng đã tích cực được triển khai và đạt được kết quả bước đầu. Lĩnh vực Bổ trợ tư pháp có nhiều bước chuyển tích cực. Chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này được đẩy mạnh theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong công tác công chức và giám định tư pháp. Công tác trợ giúp pháp lý cũng đạt được nhiều kết quả, ngày càng thể hiện được vai trò của mình nhất là tại các địa bàn miền núi, khó khăn.
Bộ Tư pháp đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chất lượng cao theo yêu cầu CCTP. Xác định đây là khâu then chốt của CCTP, trong giai đoạn này, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

 

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã chia sẻ những khó khăn về thực hiện nhiệm vụ CCTP trong lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình, đồng thời trao đổi, thảo luận cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ CCTP.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đã điểm lại những kết quả nổi bật trong việc thực hiện các nhiệm vụ CCTP ở các lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành. Trong đó, Thứ trưởng nhận định, lĩnh vực bổ trợ tư pháp có thể coi là điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ CCTP trong toàn Ngành, việc thực hiện bám sát Nghị quyết 49. Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp và Đại học luật, trong đó cơ cấu đào tạo ngày càng hợp lý, thực hiện đúng nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định 549/QĐ-TTg ngày 04/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”.
Thẳng thắn chỉ ra các bất cập như việc xây dựng thể chế còn chậm, chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn, án dân sự phải thi hành còn tồn đọng, án hành chính hiệu quả chưa cao, thừa phát lại chưa có chuyển biến… Thứ trưởng đề nghị, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, Nhà nước về CCTP; Chú trọng bồi dưỡng đào tạo, và cần phải có đột phá trong công tác này; Tạo chuyển biến mạnh trong cán bộ tư pháp. Thứ trưởng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại trường Đại học Luật Hà Nội – “phải lấy nhiệm vụ này làm cú huých trong đào tạo”, Thứ trưởng nói. Riêng đối với Học viện Tư pháp, phải chú trọng liên thông trong nội bộ và với các trường khác. Các chương trình liên thông này sẽ tạo ra sự cạnh tranh, và giảm thời gian chi phí cho người được đào tạo…
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc phải đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, đồng thời tăng cường giải quyết công việc trên môi trường mạng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
An Như