Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành

29/11/2018
Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành
Sáng 29/11, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (Nghị định số 23/2015/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Yêu cầu chứng thực bản sao tiếp tục tăng
Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ra đời đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong đổi mới công tác chứng thực như: quy định mở rộng thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký cho các tổ chức hành nghề công chứng đã giảm tải công việc chứng thực cho các Phòng Tư pháp và UBND cấp xã, đồng thời tạo thêm một điểm đến cho người dân trong việc lựa chọn công chứng/chứng thực; đơn giản hóa về thủ tục hành chính trong giải quyết yêu cầu chứng thực; quy định rõ trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực, người thực hiện chứng thực... 

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính còn khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành hay việc một số cơ quan tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính tự đặt ra thời hạn sử dụng bản sao có chứng thực (không tiếp nhận bản sao đã được chứng thực quá 6 tháng) không chỉ làm phát sinh chi phí (cả về thời gian và kinh phí) của người dân mà còn làm gia tăng áp lực cho các cơ quan thực hiện chứng thực. Số liệu thống kê được cho thấy, từ năm 2015 đến nay, số yêu cầu chứng thực bản sao tiếp tục tăng. Năm 2016 chứng thực 97.126.230 bản sao (tăng 18.539.184 bản so với năm 2015); năm 2017 chứng thực 116.881.069 bản sao (tăng 19.754.839 bản so với năm 2016); 6 tháng đầu năm 2018 đã chứng thực được 63.595.582 bản sao (tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2017).
Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cảnh báo việc lạm dụng bản sao chứng thực có thể làm xói mòn niềm tin của người dân với nền hành chính nhà nước. Để giải quyết tận gốc tình trạng này thì cần hạn chế, tiến tới bỏ việc sử dụng bản sao chứng thực. Trước mắt, ông Khanh đề xuất thực hiện thí điểm bỏ bản sao chứng thực trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, trong đó có lĩnh vực hộ tịch.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chứng thực
Đánh giá về những tồn tại hạn chế của công tác chứng thực trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng tình trạng giấy tờ giả đang ngày càng phổ biến, hình thức vô cùng tinh vi đang đặt ra thách thức lớn với người làm công tác chứng thực. Đặc biệt hiện nay có nhiều cơ quan tham gia chứng thực nhưng chưa có sự kết nối, liên thông với nhau nên việc kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu sai phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Báo cáo của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng cho biết một số địa phương để xảy ra tình trạng chứng thực bản sao một cách tràn lan, ồ ạt, không theo đúng quy định pháp luật; còn tình trạng cơ quan có thẩm quyền chứng thực thực hiện việc chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch hoặc lạm dụng văn bản chứng thực chữ ký, sử dụng văn bản chứng thực chữ ký thay cho bản chính giấy tờ khác…

Để giải quyết những tồn tại hạn chế của công tác chứng thực, một giải pháp nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu là cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chứng thực theo hướng xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu chứng thực dùng chung trên phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đại diện Sở Tư pháp Hải Dương, đơn vị đã xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) trong hoạt động chứng thực hợp đồng giao dịch cho biết CSDL ra đời đã mang lại nhiều tiện ích, tạo thuận lợi cho người làm công tác chứng thực. Đặc biệt, thông qua việc kiểm tra đối chiếu dữ liệu trong CSDL, đã ngặn chặn được nhiều trường hợp yêu cầu chứng thực trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, CSDL mới chỉ trong phạm vi tỉnh, chưa có kết nối với các đơn vị khác nên vẫn còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, các đại biểu đều khẳng định cần có một phần mềm quản lý dữ liệu chứng thực dùng chung (phục vụ lưu trữ thông tin chứng thực hợp đồng giao dịch, kết nối với các phần mềm chuyên ngành có liên quan như: công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm…) nhằm tăng cường hiệu quả, chất lượng khi thực hiện chứng thực, đảm bảo sự chính xác khi chứng thực, đặc biệt là chứng thực hợp đồng, giao dịch, hạn chế rủi ro, tranh chấp xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý công tác chứng thực.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác chứng thực
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định sau 03 năm thực hiện, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống, phát huy được vai trò của mình và đưa công tác chứng thực đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác chứng thực trong thời gian qua, Thứ trưởng đề nghị tục quán triệt thực hiện tốt Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về chứng thực và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác chứng thực để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận thức rõ hơn về tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực, qua đó phối hợp giải quyết triệt để tình trạng này. Tăng cường quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương về công tác chứng thực, tổ chức tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho người làm chứng thực. Nghiên cứu, khảo sát phần mềm quản lý dữ liệu chứng thực dùngchung. Đặc biệt, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác chứng thực để hạn chế tối đa những sai lầm do các nguyên nhân chủ quan, bắt nguồn từ ý thức của người thực hiện.