Bộ Tư pháp triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2018

05/01/2018
Bộ Tư pháp triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2018
Chiều nay, ngày 04/01/2018, Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác bổ trợ tư pháp năm 2017, triển khai công tác năm 2018. Tham dự hội nghị còn có đại diện một số Bộ, ngành, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ và tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức Cục Bổ trợ tư pháp.
Báo cáo kết quả công tác bổ trợ tư pháp năm 2017, bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, năm 2017, công tác bổ trợ tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả nổi bật, đảm bảo cơ bản đúng thời hạn, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Cục hoàn thành tốt công tác xây dựng thể chế với việc tham mưu xây dựng, ban hành nhiều văn bản, trong đó có 02 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Đề án, 01 Thông tư và 01 Thông tư liên tịch.
Trong bối cảnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới, quan trọng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị được ban hành hoặc có hiệu lực từ năm 2017, việc triển khai toàn diện và đồng bộ hệ thống văn bản, đề án được đơn vị chú trọng thực hiện bài bản như việc triển khai Luật đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại, Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.
Bà Đặng Kim Hoa cũng cho biết, đối với lĩnh vực công chứng, Cục đã tham mưu cho Bộ hướng dẫn, đôn đốc quyết liệt các địa phương hoàn thành việc chuyển đổi Văn phòng công chứng theo quy định của Luật công chứng năm 2014, hiện nay đã có 99,04% tổng số các Văn phòng công chứng đang hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Cục cũng đã tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc kiện toàn chức danh Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, góp phần đưa hoạt động của Liên đoàn luật sư đi vào ổn định, vững chắc hơn. Việc triển khai Luật công chứng được triển khai đồng bộ trên toàn quốc.
Các công tác khác như luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, thừa phát lại, quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tiếp tục được phát triển đồng bộ về số lượng và chất lượng. Công tác thanh tra chuyên ngành, nhất là đối với lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp đã kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Triển khai nhiệm vụ năm 2018, bà Đặng Kim Hoa cho biết, Cục sẽ đặt trọng tâm vào một số nhiệm vụ như: tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc triển khai các luật, nghị định và tổ chức thi hành pháp luật trong các hoạt động bổ trợ tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Cục Bổ trợ tư pháp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đóng góp ý kiến cho hoạt động của Cục Bổ trợ tư pháp trong năm 2018, một số đại biểu cho rằng Cục Bổ trợ tư pháp cần tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra...

Công tác quản lý nhà nước về bổ tợ tư pháp có nhiều đổi mới
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định, năm 2017 cách tư duy và tiếp cận quản lý nhà nước của Cục đã có nhiều thay đổi. Công tác thể chế đã có nhiều cố gắng đạt nhiều kết quả, chất lượng tốt; việc bổ nhiệm, cấp chứng chỉ không có khiếu kiện…
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chia sẻ vẫn còn nhiều trăn trở trong công tác này. Cả hệ thống nghề của Bộ Tư pháp (luật sư, đấu giá, công chứng, quản tài viên…) tập trung tại công tác bổ trợ tư pháp, nhưng vẫn chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ cho Bộ, ngành và đồng hành cùng Chính phủ. Thứ trưởng cho rằng, vẫn còn có những thành viên hành nghề có biểu hiện lệch lạc, tự chuyển hóa, vi phạm pháp luật. Cần phải có giải pháp để huy động sức mạnh tổng hợp này vào sự phát triển nghề tư pháp và sự phát triển chung của đất nước.
Thứ trưởng đề nghị, triển khai công tác năm 2018 phải có sự chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm dựa trên các nguồn lực đã có và sự phối hợp của các đơn vị, bộ, ngành; Cần nghiên cứu, đề xuất việc phân cấp phân quyền, tránh sa đà vào các sự vụ; Rà soát vị trí, chuyển đổi cơ cấu, thành lập đầu mối về thanh tra, kiểm tra; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thường xuyên, đôn đốc, nhắc nhở. Thứ trưởng nhấn mạnh “sợ anh em đau thì khó quản lý nhà nước”.
Chia sẻ sự khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, bổ trợ tư pháp là lĩnh vực đặc thù vì liên quan trực tiếp đến người dân, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, kết quả có thể lượng hóa được, hậu quả, hệ quả có thể đo đếm được. Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, trước những khó khăn, đơn vị đã hết sức tâm huyết, phấn đấu cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng ghi nhận và biểu dương kết quả mà đơn vị đã đạt được trong năm qua.  
Đồng tình với Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Bộ trưởng cũng cho rằng, năm 2017, công tác quản lý nhà nước của Cục đã có nhiều đổi mới, có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được tăng cường; phản ứng các vấn đề truyền thông, dư luận nêu kịp thời hơn. Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng đã đề nghị Cục sớm tìm giải pháp khắc phục.
Năm 2018, Bộ trưởng đề nghị: tiếp tục triển khai các văn bản pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; Phản ứng kịp thời những “vấn đề nóng” mà báo chí nêu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là đối với các đối tượng tự diễn biến, tự chuyển hóa; Tiếp tục tham mưu để phân định, làm rõ và hài hòa giữa xã hội hóa và chức năng quản lý nhà nước, tiếp tục đề xuất phân cấp, xử lý các vấn đề phát sinh; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cơ quan ban, ngành có liên quan.
Bộ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành, Hiệp hội có sự quan tâm chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Hoàng Vy Anh