Hội nhập kinh tế quốc tế không thể thiếu đội ngũ luật sư giỏi

28/09/2016
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu mới đây vừa chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Chương trình khung và nhận định Chương trình khung cơ bản đã đạt yêu cầu, mục tiêu đặt ra của Đề án 123.
Thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế về thương mại, đầu tư đa phương, khu vực và song phương. Tính đến tháng 6/2016, Việt Nam đã ký 11 hiệp định thương mại tự do (FTA), 66 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương (BIT) và nhiều điều ước quốc tế thương mại khác. Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại cho Việt Nam những thành tựu đáng ghi nhận về sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những tác động tích cực trong việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại, thu hút nhiều dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Chính phủ đã và đang phải giải quyết 8 vụ tranh chấp về đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài kiện tại trọng tài quốc tế và 2 vụ tiền tranh chấp có nguy cơ cao dẫn đến tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài và 72 vụ việc khiếu nại trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, trong đó phải kể đến các vụ kiện về hợp đồng mua bán ngoại thương, chống bán phá giá. Tính đến năm 2015 tổng số vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài đã lên tới 72 vụ.
Thực tiễn cho thấy, quá trình giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế vừa qua, vai trò của luật sư Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đa phần các vụ kiện, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng dịch vụ của các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài với phí dịch vụ pháp lý lên tới hàng triệu đô la Mỹ. Bởi hiện nay số lượng các luật sư có thể tư vấn và/hoặc tham gia tranh tụng trong các vụ việc như trên không nhiều. Theo khảo sát chất lượng đội ngũ luật sư, trong tổng số 9.436 luật sư, chỉ có trên 100 luật sư thông thạo từ 1-2 ngoại ngữ, trên 20 luật sư có khả năng trực tiếp tham gia đàm phán và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ luật sư trong thời gian vừa qua chưa chú trọng đến việc phát triển các kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp cho luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế và có khả năng hành nghề trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, hội nhập. Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 123), Học viện Tư pháp thời gian qua đã tích cực xây dựng Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Chương trình khung và nhận định Chương trình khung cơ bản đã đạt yêu cầu, mục tiêu đặt ra của Đề án 123. Tuy nhiên, một số thành viên Hội đồng kiến nghị nghiên cứu mở rộng diện người dự tuyển tham gia chương trình đào tạo, chứ không cứng nhắc chỉ là người có bằng cử nhân luật trở lên. Ngoài ra, do là lần đầu tiên xây dựng Chương trình khung nên không cần đặt quá cao tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ.
Tán thành với việc nghiên cứu mở rộng diện người dự tuyển, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng có thể cân nhắc thêm những cử nhân luật thương mại quốc tế, cử nhân luật kinh tế ở một số cơ sở đào tạo có mã ngành luật… nhằm tạo cơ hội cho họ nâng cao kiến thức. Trước những băn khoăn về chuẩn đầu vào trình độ ngoại ngữ còn cao (bậc 4 Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam hoặc IELTS 5.0 hoặc TOEFL iBT đạt 45 điểm trở lên), Thứ trưởng đề nghị nếu chưa đủ trình độ tiếng Anh đầu vào thì có thể theo học các lớp tiếng Anh pháp lý…
                                                 H.Thư