Huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng pháp luật

28/09/2016
Huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng pháp luật
Sáng 27/9, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến đã đồng chủ trì Hội nghị giao ban công tác pháp chế doanh nghiệp thường niên năm 2016 với chủ đề “Huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng pháp luật”.
Pháp luật phải là công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về kinh doanh, thương mại nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống cũng còn những hạn chế, yếu kém như thiếu tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, nhất là thiếu tính ổn định, là những rào cản lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó phải kể đến việc chưa phát huy được yếu tố cộng đồng, chưa thu hút được sự tham gia đông đảo, tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này, Thứ trưởng khẳng định đây là cơ hội để các nhà quản lý, chủ sở hữu doanh nghiệp, người làm công tác pháp chế doanh nghiệp giao lưu, học hỏi, trao đổi khách quan, thẳng thắn về thực trạng tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng pháp luật, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này, hướng tới mục tiêu để pháp luật phải thực sự là công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thiết lập quy trình xây dựng VBQPPL minh bạch và có trách nhiệm
Chia sẻ về thực tiễn sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động xây dựng pháp luật, đại diện Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết: trong những năm gần đây, mặc dù quy trình xây dựng pháp luật không còn khép kín, hoạt động triển khai lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp đã được thực hiện rộng rãi, công khai, tuy nhiên vẫn chưa đi vào thực chất. Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật còn rất hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: việc lấy ý kiến đối với dự thảo nhiều khi mang tính hình thức; không giải trình công khai minh bạch về các ý kiến nhận được; lấy ý kiến một lần và không lấy ý kiến khi có thay đổi quan trọng liên quan đến nghĩa vụ doanh nghiệp…
Để cơ chế tham vấn hiệu quả hơn, đại diện VCCI đề nghị cần xác định chính xác đối tượng cần tham vấn; tuyên truyền rộng rãi các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tận dụng internet trong việc lấy ý kiến; thiết lập kênh lấy ý kiến qua tổ chức đại diện; thiết lập quy trình xây dựng VBQPPL minh bạch và có trách nhiệm.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, cần đổi mới cách thức và phương pháp huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật, trong đó tập trung vào việc tăng cường năng lực đóng góp ý kiến, phản biện chính sách của doanh nghiệp thông qua các buổi tập huấn chuyên sâu; mở rộng đối tác lấy ý kiến; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp để truyền tải trực tiếp ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn về các vấn đề chính sách hoặc dự thảo VBQPPL; phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng chính sách…