Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, toàn diện

21/09/2016
Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, toàn diện
Sáng 21/9, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cùng Quyền Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương đã chủ trì Hội thảo hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2030 – Một số khía cạnh pháp lý và thực tiễn.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh đây là dịp tốt để các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn đang công tác ở những đơn vị khác nhau có dịp để cùng ngồi lại trao đổi, thảo luận về nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam đến năm 2030, từ đó có những ý kiến, giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất, toàn diện của hệ thống pháp luật trong thực tế hiện nay.
Thứ trưởng cho biết: trải qua 30 năm đổi mới, hệ thống pháp luật đất nước đã có nhiều bước phát triển và đạt được thành tựu quan trọng, góp phần quan trọng tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định của hệ thống còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương trong công vụ, thậm chí trong xây dựng pháp luật còn những tồn tại nhất định… Trong khi đó, nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Chính vì vậy, Thứ trưởng mong muốn các nhà khoa học tham dự Hội thảo bằng tâm huyết, trí tuệ của mình sẽ đưa ra những ý tưởng, giải pháp hữu ích để góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, đưa pháp luật vào cuộc sống, hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chia sẻ về những tồn tại của hệ thống pháp luật về đầu tư, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ rõ: hệ thống pháp luật còn phức tạp và chồng chéo; chưa có chiến lược rõ ràng, tổng thể trong quá trình hội nhập quốc tế; chưa có chiến lược hiệu quả và rõ ràng trong việc xác định hướng hoạt động đầu tư nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quá trình áp dụng pháp luật về đầu tư còn thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Phạm Tuấn Anh, cần tiếp tục sửa đổi, thống nhất hệ thống pháp luật; có kế hoạch sử dụng có hiệu quả các nguồn lực có sẵn vào các dự án có khả năng tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường giám sát hệ thống thực thi pháp luật để đảm bảo các quy định của pháp luật được thực hiện một cách đúng đắn.
Trong khi đó, đề xuất về giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính đến năm 2030, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính nhấn mạnh: phải làm rõ nội hàm chính sách đối với từng bộ phận cấu thành của hệ thống, trên cơ sở đó có lộ trình hoàn thiện pháp luật tương ứng, đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa chính sách thành pháp luật thực thi; phân loại pháp luật tài chính và lập ma trận hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tài chính; nâng cao năng lực nghiên cứu xây dựng pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.